Dầu Brent đã tăng giá gấp hai lần kể từ đầu tháng 4/2020 nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày chưa từng có trong hai tháng 5 và 6/2020 của OPEC+.
Tại thị trường châu Á, giá dầu tăng hơn 2% trong phiên sáng ngày 8/6 lên mức cao nhất trong ba tháng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, nhất trí gia hạn mức cắt giảm dầu kỷ lục cho đến cuối tháng 7/2020.
Giá dầu châu Á tăng hơn 2% nhờ quyết định mới của OPEC+. Ảnh minh họa: TTXVN
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 7 giờ sáng (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,02 USD (2,4%) lên 43,32 USD/thùng. Loại dầu này đã có lúc chạm mức cao 43,41 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 83 xu Mỹ (2,1%) lên 40,38 USD/thùng. Hai loại dầu này đều chạm mức cao nhất kể từ ngày 6/3.
Dầu Brent đã tăng giá gấp hai lần kể từ đầu tháng 4/2020 nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày chưa từng có trong hai tháng 5 và 6/2020 của OPEC+. Ngày 6/6 vừa qua, OPEC+ đã quyết định gia hạn mức cắt giảm này thêm một tháng đến cuối tháng 7/2020.
Ngay sau đó, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã tăng mạnh giá bán dầu thô cho tháng 7/2020. Ngoài ra, việc tuân thủ thỏa thuận của các nước thành viên như Iraq và Nigeria vẫn là một vấn đề cần lưu tâm.
Mặc dù giá dầu đã phục hồi, song mức giá vẫn thấp hơn chi phí sản xuất, dẫn đến phần lớn các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa, sa thải nhân viên và cắt giảm chi phí.
Theo số liệu từ Baker Hughes Co, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 5 liên tiếp trong tuần kết thúc ngày 5/6. Gần 30% cơ sở dầu ngoài khơi của Mỹ cũng đã đóng cửa hôm 5/6 do bão nhiệt đới Cristobal đổ bộ vào Vùng vịnh Mexico./.
Nguồn tin: bnews.vn