Nhu cầu dầu của thế giới được dự báo sẽ vượt cung trong nửa cuối năm nay, dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh từng bước khôi phục sản lượng.
Giá dầu tại châu Á tiếp tục đà tăng, lên mức cao trong nhiều năm trong phiên 7/6, nhờ triển vọng về nhu cầu và nền kinh tế sáng sủa hơn, trong khi các nhà đầu tư chờ kết quả các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc trên thế giới về một thỏa thuận hạt nhân mà nếu đạt được sẽ làm tăng nguồn cung dầu thô.
Giá dầu Brent giao tháng Tám tăng 28 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 72,17 USD/thùng vào lúc 8 giờ 7 phút ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy tăng 29 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 69,91 USD/thùng, lần đầu tiên tiến sát mốc 70 USD/thùng kể từ tháng 10/2018.
[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng gần 5% trong tuần qua]
Cả hai loại dầu đều lên giá trong hai tuần qua khi nhu cầu nhiên liệu phục hồi tại Mỹ và châu Âu sau khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trước khi nhu cầu đi lại tăng mạnh trong mùa Hè.
Nhu cầu dầu của thế giới được dự báo sẽ vượt cung trong nửa cuối năm nay, dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, từng bước khôi phục sản lượng.
Tiến độ đàm phán giữa Iran và và các cường quốc trên thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran năm 2015 chậm lại và số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm cũng đang hỗ trợ giá dầu.
Các nhà phân tích nhận định Iran sẽ tăng sản lượng thêm từ 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày nếu các biện pháp trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ.
Tại Mỹ, số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động giảm lần đầu tiên trong sáu tuần./.
Nguồn tin: Vietnam+