Giá dầu tại thị trường châu Á sụt giảm vào đầu phiên giao dịch 21/1 trước những dự đoán Trung Quốc sẽ công bố mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong xấp xỉ 3 thập niên qua khi nhu cầu trong nước “èo uột” và tác động tiêu cực của các mức thuế quan mà Mỹ áp lên nhiều hàng hóa và sản phẩm từ Trung Quốc.
Một cơ sở lọc dầu tại Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào lúc 7 giờ 22 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường Singapore, giá dầu Brent giảm 0,40 USD (tương đương 0,6%) so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó, xuống 62,30 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,37 USD (0,7%) xuống còn 53,43 USD/thùng.
Tuy vậy, các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ nhận được sự hỗ trợ tương đối tốt trong năm 2019 nhờ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng từ tháng 1/2019.
Các nhà nghiên cứu của Bernstein Energy cho biết thỏa thuận này sẽ dẫn tới việc thị trường dầu rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung trong gần như cả năm 2019, và qua đó có thể đẩy giá dầu tăng lên 70 USD/thùng vào trước cuối năm 2019, từ mức 60 USD/thùng hiện nay.
Trong báo cáo hàng tuần công bố 18/1 vừa qua, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho hay số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 18/1 đã giảm 21 xuống còn 852, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, khi các doanh nghiệp khoan dầu đã phản ứng lại việc giá dầu thô Mỹ giảm 40% vào cuối năm 2018. Tuy vậy, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2018 vẫn tăng hơn 2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin: baotintuc.vn