Ngày 27/2, giá dầu châu Á giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019, giữa lúc dịch COVID-19 gây lo ngại về một đại dịch có thể kìm hãm kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu dầu thô.
Giá dầu châu Á giảm phiên thứ năm liên tiếp.Ảnh minh họa: TTXVN
Vào lúc 14 giờ 41 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 60 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống còn 52,83 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ phiên 2/1/2019 là 52,53 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 55 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống 48,18 USD/thùng. Trước đó trong phiên này, giá dầu WTI giảm xuống 47,82 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1/2019.
Trong năm phiên giao dịch tính đến hết phiên này, giá dầu Brent đã giảm 10,6%, trong khi giá dầu WTI giảm 10,4%. Đây đều là các mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm trong năm phiên liên tiếp kể từ tháng 8/2019.
Ngày 26/2, lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở bên ngoài Trung Quốc đã vượt số ca nhiễm mới ở nước này. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh tại các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy gây lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng chậm lại. Các chuyên gia tư vấn của Facts Global Energy mới đây dự đoán nhu cầu dầu chỉ tăng 60.000 thùng/ngày trong năm 2020, hoặc thậm chí là không tăng, do ảnh hưởng của dịch.
Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích của công ty Fujitomi Co, còn nhận định nếu COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu tại Mỹ, giá dầu có thể sẽ còn giảm nữa, đặc biệt là khi giá xăng ở Mỹ đã giảm mạnh. Mỹ là nước sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh, thị trường dầu mỏ cũng đang đón đợi quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, tại cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra ở Vienna trong hai ngày 5-6/3./.
Nguồn tin: bnews.vn