Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu châu Á dứt đà tăng mạnh trong phiên 5/4

 Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên đầu tuần 5/4, dứt đà tăng mạnh của tuần trước sau khi OPEC+ đồng ý nới lỏng dần một số kế hoạch cắt giảm sản lượng từ tháng 5 - 7/2021.


Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 6/2021 giảm 33 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 64,53 USD/thùng lúc 9 giờ 6 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2021 giảm 25 xu Mỹ(0,4%) xuống 61,20 USD/thùng.

Sau cuộc họp mới nhất vào tuần trước, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng Năm, thêm 350.000 thùng/ngày nữa vào tháng Sáu rồi lên 400.000 thùng/ngày vào tháng Bảy.

Với sự điều chỉnh này, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ chỉ trên 6,5 triệu thùng/ngày từ tháng Năm, giảm so với mức gần 7 triệu thùng/ngày trong tháng Tư.
Hầu hết nguồn cung dầu gia tăng sẽ đến từ nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia. Quốc gia Vùng Vịnh này cho biết họ sẽ dừng việc cắt giảm bổ sung tự nguyện vào tháng Bảy - động thái sẽ khiến sản lượng của Saudi Arabia tăng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Sau đó hôm 4/4, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco cũng thông báo tăng giá bán chính thức (OSP) cho khu vực châu Á trong tháng Năm.
Giới quan sát cho rằng những động thái trên thể hiện sự lạc quan của Saudi Arabia và OPEC+ về đà phục hồi nhu cầu năng lượng thế giới.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ dành nhiều sự chú ý vào các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo giữa Iran và Mỹ. Đây là một phần trong khuôn khổ các cuộc đàm phán rộng hơn nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc toàn cầu.

Trước cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao Iran cho biết họ muốn phía Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và bác bỏ biện pháp nới lỏng từng bước các hạn chế.

Nhà phân tích Henry Rome của công ty tư vấn Eurasia cho biết nhiều khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm các hạn chế đối với việc bán dầu của Iran, chỉ được dỡ bỏ sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất và Iran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM