Trong phiên giao dịch sáng 19/6, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, khi những nghi ngại về kinh tế Trung Quốc làm lu mờ chính sách cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên sáng 19/6, giá dầu Brent biển Bắc có lúc giảm 68 xu xuống 75,93 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 59 xu xuống 71,19 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng 2,4% và giá dầu WTI tăng 2,3%.
Một số ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sau khi số liệu tuần trước cho thấy đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Trích dẫn các nguồn tin, hãng tin Reuters cho hay Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích để hỗ trợ cho nền kinh tế đang chậm lại của nước này trong năm nay. Song mối lo ngại về nợ và tình trạng rút vốn sẽ ảnh hưởng đến các biện pháp hỗ trợ nhu cầu yếu trong lĩnh vực tiêu dùng và khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử, giúp thúc đẩy mức tăng của giá dầu trong tuần trước. Bên cạnh đó, các công ty năng lượng Mỹ cũng cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ bảy liên tiếp, lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2020.
Theo thống kê, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 8 xuống còn 687 giàn khoan trong tuần tính đến ngày 16/6, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Dù vậy, giá dầu vẫn nhận được hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh trong tháng 5, cùng với chính sách cắt giảm thêm của Saudi Arabia vào tháng 7.
Trong một lưu ý, công ty nghiên cứu thị trường ANZ Research cho rằng có những tín hiệu cho thấy mùa lái xe tại Mỹ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu nhiên liệu, khi nhu cầu xăng tại nước này đã tăng lên 9,24 triệu thùng/ngày vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 12/2021.
Nguồn tin: TTXVN