Các chuyên gia phân tích của ANZ nhận định số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số bang của Mỹ vẫn đang “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu năng lượng.
Giá dầu châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên sáng ngày 6/7, trong đó giá dầu Brent tăng cao nhờ thông tin nguồn cung thắt chặt lại, còn giá dầu WTI giảm do lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 tăng cao có thể làm hạn chế nhu cầu dầu tại Mỹ.
Giá dầu châu Á đi ngược chiều nhau phiên 6/7. Ảnh: THX/TTXVN
Vào lúc 8 giờ 09 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 11 xu Mỹ (0,3%) lên 42,91 USD/thùng, sau khi tăng 4,3% trong tuần trước, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) được giao dịch ở mức 40,35 USD/thùng, giảm 30 xu Mỹ (0,7%) so với mức đóng phiên trước đó hôm 2/7. Các thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.
Số ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng tại 39 bang của Mỹ. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy chỉ trong bốn ngày đầu tháng Bảy, 15 bang tại Mỹ đã báo cáo số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục cùng với các buổi liên hoan diễn ra trong đợt nghỉ lễ cuối tuần qua có thể dẫn tới một đợt bùng phát khác.
Các chuyên gia phân tích của ANZ nhận định số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số bang của Mỹ vẫn đang “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu năng lượng.
Bên cạnh đó, một số nhà giao dịch vẫn đang để mắt đến tình hình nguồn cung trong bối cảnh sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, trong đó sản lượng “vàng đen” của Nga đã giảm xuống gần mức cắt giảm mục tiêu.
OPEC và các đồng minh trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, đã cam kết sẽ cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong ba tháng đến tháng 7/2020. Sau tháng 7/2020, thỏa thuận cắt giảm này dự kiến sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020.
Sản lượng của Mỹ cũng giảm. Số giàn khoan khí đốt và dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ chín liên tiếp, mặc dù mức giảm này đã chậm lại do giá dầu cao đã thúc đẩy một số nhà sản xuất bắt đầu khoan trở lại./.
Nguồn tin: bnews.vn