Nhưng diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm gia tăng mối quan ngại về nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Trong phiên giao dịch chiều 14/9, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên giữa bối cảnh cơn bão nhiệt đới Sally mạnh lên ở khu vực Vịnh Mexico làm ngưng trệ hoạt động sản xuất dầu mỏ của các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy vậy, đà tăng của giá dầu trong phiên này vẫn bị hạn chế do lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu giảm sút.
Giá dầu châu Á đi lên phiên 14/9. Ảnh minh họa: TTXVN
Vào lúc 13 giờ 29 phút ngày 14/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 14 xu Mỹ (0,4%) lên 37,47 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 6 xu Mỹ (0,2%) lên 39,89 USD/thùng. Tuần trước, cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Ngày 13/9 (giờ địa phương), Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo cơn bão nhiệt đới Sally đã mạnh lên ở khu vực Vịnh Mexico thuộc phía Tây bang Florida (Mỹ), có thể trở thành cơn bão mạnh cấp 2 trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp, nhiều khả năng gây ra gió lớn và sóng biển dâng cao nguy hiểm tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ.
Bão Sally đã làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu mỏ tại Vịnh Mexico của nhiều công ty Mỹ và đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng các giàn khoan dầu ở khu vực này phải dừng hoạt động do bão.
Theo các nhà quan sát, giá dầu thường sẽ tăng khi xảy ra tình trạng gián đoạn trong hoạt động sản xuất dầu. Nhưng diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm gia tăng mối quan ngại về nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”. Hiện tại, Mỹ là quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tại Libya, Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông nước này, đã cam kết chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng qua đối với các cơ sở dầu mỏ ở nước này. Động thái trên dự kiến sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường dầu thế giới.
Nhà phân tích thị trường cao cấp Jeffrey Halley của OANDA nhận định động thái này sẽ gia tăng sức ép đối với cuộc họp diễn ra vào ngày 17/9 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC +. Cuộc họp này sẽ thảo luận về mức độ tuân thủ của các nước OPEC+ đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đã nhất trí trước đó./.
Nguồn tin: bnews.vn