Sau hàng loạt thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19, thị trường mang tâm lý lạc quan kéo giá dầu chạm mức cao nhất kể từ tháng 3 trong phiên giao dịch 24/11.
Đóng cửa phiên 24/11 trên sàn London, giá dầu Brent đã tăng 3,8% lên 47,8 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 48 USD/thùng. Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng ¼ - mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Giá dầu tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư đặt cược vào sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch và các ngành tiêu thụ năng lượng khác nếu kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, tâm lý giới đầu tư cũng được cải thiện bởi kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng Nga và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/11-1/12/2020 để bù lại nhu cầu yếu trong những tháng mùa Đông.
Mức cắt giảm sản lượng theo lộ trình sẽ là bớt 2 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, trên thực tế thị trường dầu còn nhiều khó khăn dẫn đến có khả năng phải trì hoãn thêm ít nhất ba tháng kể từ tháng 1/2021. Nếu thời gian được lùi lại, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 47 USD/thùng và đưa thâm hụt thị trường toàn cầu trở lại mức 1 triệu thùng/ngày trong quý I/2020.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, OPEC+ phối hợp cùng cắt giảm sản lượng là hành động tối ưu nhất trong ngắn hạn, vì lượng tồn kho còn nhiều, và làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn đang dâng cao, rất đáng lo ngại cả về cường độ và mức độ phổ biến.
Trước đại dịch Covid-19, nhu cầu dầu toàn cầu đạt trung bình khoảng 100 triệu thùng/ngày. Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu này đã sụt giảm trung bình khoảng 10% do chính sách giãn cách xã hội, lĩnh vực hàng không bị đình trệ, khiến các công ty dầu mỏ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 10 tháng đầu năm, cổ phiếu của BP và Royal Dutch Shell giảm khoảng 60% nhưng đã tăng nhanh trở lại tới 40-50% khi có thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19.
Nguồn tin: Vinanet