Giá dầu nhảy vọt lên gần 46 USD/thùng trong ngày 26/8, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 do các nhà sản xuất Mỹ đóng cửa hầu hết các khu khai thác ngoài khơi ở Vịnh Mexico nhằm tránh bão Laura.
Cụ thể, trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent tăng 2 xu Mỹ, lên 45,88 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ mất 3 xu Mỹ, xuống còn 43,32 USD.
Đây là giá cao nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 5/3, trước khi Nga và Ả Rập Saudi bất đồng và không đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, một tuần trước lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi Covid-19 là đại dịch.
Các nhà sản xuất dầu Mỹ giảm khai thác trước khi bão Laura với tốc độ gần bằng năm 2005, khi bão Katrina xuất hiện. Phần lớn hoạt động lọc dầu ven biển dọc hai bang Texas và Louisiana cũng tạm ngừng.
Giá dầu tăng lên gần 46 USD/thùng, duy trì mức cao nhất 5 tháng trong phiên 26/8 khi các nhà sản xuất dầu Mỹ đóng cửa hầu hết các khu khai thác ở vịnh Mexico để tránh bão.
Bão nhiệt đới Laura dự kiến mạnh lên thành bão lớn với sức gió có thể lên tới 185 km/h trước khi đổ bộ vào bờ biển gần biên giới Texas - Louisiana sáng sớm 27/8, theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ.
Trong ngày 25/8, các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ đã sơ tán 310 cơ sở ngoài khơi, khiến sản lượng giảm 1,56 triệu thùng/ngày, tương đương 84% sản lượng ngoài khơi vịnh Mexico. Con số này năm 2005 là gần 90%.
“Đà tăng trên thị trường dầu mỏ trong phiên giao dịch này gần như là nhờ lo ngại về bão”, Jim Ritterbusch, chủ tịch Ritterbusch & Associates, Galena, bang Illinois, nhận xét. Thông tin bão sẽ lấn át hoàn toàn báo cáo tồn kho hàng tuần từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
“Nhìn chung, bão sẽ làm hạn chế nguồn cung trong tuần này, nhưng thị trường sẽ sớm tập trung vào triển vọng nhu cầu trước tác động từ dịch Covid-19”, - nhà môi giới Tamas Varga của công ty PVM cho biết.
Trong khi đó, ngân hàng Hà Lan ABN AMRO lưu ý: “Chúng tôi nhận thấy việc gián đoạn sản xuất dầu tại Mỹ do bão hỗ trợ đà đi lên của giá dầu. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với năng lượng tiếp tục chịu áp lực từ sự lây lan của dịch Covid-19”.
Ngoài lo ngại về nguồn cung dầu thô tại Mỹ, tâm lý lạc quan của các thương nhân về việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng tạo lực đẩy cho giá “vàng đen” trong phiên này.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Trước đó, giới quan sát đã lo lắng vì Trung Quốc đã không thể đáp ứng các yêu cầu về mua hàng hóa từ Mỹ. Nhưng với diễn biến mới nêu trên, dòng chảy thương mại giữa hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này có thể sẽ cải thiện hơn.
Bên cạnh đó, nỗ lực cắt giảm kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, từ đầu tháng 5/2020 đã giúp giá dầu Brent phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất trong 21 năm, xuống dưới 16 USD/thùng vào tháng 4 vừa qua.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn