Giá dầu giảm mạnh trong tuần này do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Bên cạnh nỗi lo căng thẳng thương mại, giá dầu trong tuần này còn chịu áp lực giảm từ những số liệu cho thấy nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ.
Giá "vàng đen" có thể giảm sâu hơn nữa nếu nguồn cung dầu toàn cầu không bị hạn chế bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Các nước Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, cùng căng thẳng ở vùng Vịnh.
Giá dầu giảm mạnh trong tuần do triển vọng nhu cầu đang chịu áp lực tăng yếu trong bối cảnh Mỹ tiếp tục áp thêm thuế đối với hàng hóa Mexico.
Thị trường dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ngừng giao dịch trong phiên giao dịch ngày 27/5 nhân dịp nghỉ lễ.
Trong phiên 28/5, giá dầu tăng do ngập lụt ở vùng Midwest gây trở ngại cho hoạt động vận chuyển dầu từ kho dầu trung tâm ở Cushing, Oklahoma. Giá dầu Brent được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng OPEC và đồng minh gồm Nga, còn gọi là Nhóm OPEC+, sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu. Theo dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 25 - 26/6 để thảo luận về chính sách sản lượng.
Giá “vàng đen” giảm trong phiên giao dịch ngày 29/5, dưới sức ép từ đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Nhà đầu tư lo ngại rằng xung đột dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington hầu như chưa có dấu hiệu lắng dịu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 29/5 cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" để trả đũa Mỹ.
Sang phiên 30/5, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh khi thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự báo và giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho hay tồn kho dầu thô của nước này giảm gần 300.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 900.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Đến phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu thế giới lao dốc hơn 5%, chốt tuần và tháng với mức giảm chóng mặt, khi thuế quan mà Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp lên hàng hóa Mexico làm gia tăng nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Nhà phân tích cấp cao Robbie Fraser thuộc Schneider Electric nhận xét: “Việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa Mexico làm gia tăng những mối lo về kinh tế và thương mại sẵn có. Điều này còn đặt ra rủi ro đặc biệt đối với giá dầu, bởi Mexico là một đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Chốt phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 tại thị trường New York giảm 3,09 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%, xuống còn 53,5 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/2.
Tuần này, giá dầu WTI trượt 8,8%, nâng tổng mức giảm của cả tháng 5 lên 16,3%. Đây là tháng giảm mạnh nhất của dầu WTI kể từ tháng 11/2018, khi giá sụt tới 22%, trang MarketWatch cho hay.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt hơn 6%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 hạ 2,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, còn 64,49 USD/thùng, chạm đáy kể từ ngày 13/2. Giá dầu Brent giảm 6,1% trong tuần này và hạ 11,4% trong tháng 5.
Tờ Wall Street Journal cho biết Mỹ có thể cho phép một số quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu Iran, cho dù sự miễn trừ đã kết thúc vào đầu tháng 5. Điều này làm gia tăng áp lực giảm giá lên dầu.
Các số liệu mà Chính phủ Mỹ công bố tuần này cũng không có lợi cho giá dầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần chỉ giảm 300.000 thùng, mức giảm chỉ bằng khoàng 1/3 so với dự báo. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng thêm 100.000 thùng/ngày, đạt 12,3 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, Ả Rập Saudi - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã nâng sản lượng dầu trong tháng 5. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng dầu của Ả Rập Saudi trong tháng chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Iran do lệnh trừng phạt siết chặt của Mỹ.
Căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông sau khi Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt Iran là một nhân tố hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian gần đây.
Theo Reuters, 14 nước thành viên OPEC khai thác 30,17 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng 4, và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Từ tháng 1 đến nay, OPEC và đối tác gồm Nga đã thực thi thỏa thuận giảm 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ cho giá dầu sau đợt giảm mạnh cuối năm ngoái. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6, và sắp tới, nhóm sẽ họp để quyết định có gia hạn thỏa thuận hay không.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn