Giá dầu thế giới trong phiên 6/5 đã giảm xuống dưới 30 USD/thùng khi lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ tăng lấn át thông tin về nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của các nước sản xuất “vàng đen” và hy vọng nhu cầu phục hồi khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa.
Một trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 21/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, giá dầu Brent tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 4% (1,25 USD) xuống còn 29,72 USD/thùng, phiên giảm đầu tiên sau sáu phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) đã giảm 57 xu Mỹ xuống còn 23,99 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã tăng gần gấp đôi kể từ khi chạm mức thấp nhất trong 21 năm qua vào ngày 22/4. Tuy vậy, thị trường dầu vẫn thận trọng dõi theo thỏa thuận cắt giảm cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày có hiệu lực kể từ ngày 1/5 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh. Mức cắt giảm trên tương đương khoảng 10% nhu cầu dầu thế giới trước khi dịch COVID-19 bùng phát – đã dẫn tới lượng dầu tiêu thụ và giá dầu đều sụt giảm.
Theo các thương nhân và chuyên gia trong ngành, việc tuân thủ chưa đầy đủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên của Iraq và các nước sản xuất dầu nhỏ hơn như Nigeria and Angola có thể “phá hỏng” những nỗ lực của OPEC+, thậm chí dù sản lượng dầu của Nga - một trong những nước sản xuất dầu lớn trên thế giới - trong 5 ngày đầu tiên của tháng 5/2020 đã giảm xuống sát mức sản lượng mục tiêu.
Trong khi đó, như một dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đang dần phục hồi. Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu của Mỹ đã tăng trong tuần qua. Theo EIA, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 4,6 triệu thùng trong tuần qua, tuần tăng thứ 15 liên tiếp. Con số này thấp hơn mức tăng 7,8 triệu thùng mà các nhà phân đã dự đoán trước đó.
Trong tháng 4/2020, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến giảm ít nhất 20%, một mức giảm kỷ lục, khi chính phủ các nước áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Giới đầu tư hiện đang hy vọng về một sự hồi phục nhu cầu dầu khi Italy, Tây Ban Nha, Nigeria và Ấn Độ cũng như một số bang ở Mỹ bắt đầu cho phép người dân quay trở lại làm việc và mở cửa trở lại các công viên, thư viện và công trình xây dựng.
Nguồn tin: baotintuc.vn