Giá dầu tăng trong bối cảnh trữ lượng dầu thô của Mỹ giảm và nguồn cung dầu từ Nga bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt kinh tế
Giá dầu thô Brent có lúc tăng lên 117,25 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 23-3 (giờ địa phương) trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ có thời điểm tăng lên 111,35 USD/thùng.
Giá dầu trong phiên giao dịch một ngày trước đó điều chỉnh giảm sau khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) bất đồng trong việc áp đặt lệnh cấm đối với dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu tăng trở lại hôm 23-3 sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố thêm biện pháp trừng phạt lên Nga trong cuộc gặp giới lãnh đạo châu Âu tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong ngày 24-3.
Bà Vandana Hari, người sáng lập Công ty Phân tích thị trường dầu Vanda Insights, nhận định giá dầu sẽ còn biến động cao trong tuần này và đặc biệt là vào thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ngày 24-3 (giờ địa phương).
Theo bà Hari, lo ngại về nguồn cung dầu sẽ tiếp tục tăng cao khi các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine vẫn khá bế tắc. Dữ liệu mới nhất từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã giảm 4,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18-3, trái ngược với dự báo tăng trưởng của các nhà phân tích.
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo giá dầu có nguy cơ tăng mạnh sau khi một trong những đường ống dẫn dầu quan trọng ở Nga bị hỏng. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin cho biết nước này sẽ cắt giảm công suất của đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) do cơ sở hạ tầng bị hư hại do ảnh hưởng bão.
Tuyến đường ống CPC do Nga và Kazakhstan vận hành là một trong những tuyến đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan ra thị trường quốc tế.
Theo ông Sorokin, hoạt động bảo trì đường ống có thể kéo dài tới 2 tháng, khiến công suất của CPC giảm đến 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% sản lượng dầu toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào của tuyến CPC cũng sẽ gây thêm áp lực lên thị trường dầu mỏ toàn cầu, vốn đang trải qua một trong những đợt thiếu hụt nguồn cung tồi tệ nhất kể từ sau lệnh cấm vận của Tổ chức Các nước Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ vào những năm 1970.
Phần lớn lượng dầu trong đường ống dẫn dầu này đến từ Nga, Kazakhstan và các công ty dầu khí quốc tế như Chevron. Đường ống CPC giúp xuất khẩu dầu từ cảng Novorossiysk của Nga ở bờ Biển Đen.
Nhằm kiềm chế lạm phát trước nguy cơ giá dầu tiếp tục leo thang, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 21-3 để ngỏ khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25% trong đợt tăng hồi tuần trước.
Theo ông Powell, FED đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Ông Powell cho rằng việc tăng lãi suất sẽ được tiếp tục cho tới khi lạm phát được kiểm soát và có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết nhằm ổn định giá cả.
Tại Anh, hãng tin Reuters dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) hôm 23-3 cho hay tỉ lệ lạm phát trong tháng 2 của nước này đã lên mức cao nhất trong 30 năm qua. Theo ONS, giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 6,2% trong tháng 2 sau khi tăng 5,5% hồi tháng 1. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3-1992.
Cơ quan này nhấn mạnh chi phí năng lượng và xăng là những nhân tố chính khiến lạm phát tăng mạnh trong tháng 2, trong lúc giá năng lượng đã tăng gần 25% so với một năm trước. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hôm 17-3 đã tăng lãi suất lên 0,75% nhằm kiềm chế lạm phát.
BOE cảnh báo lạm phát dự kiến tăng hơn 8%, gấp 4 lần mục tiêu mà ngân hàng này đưa ra vào quý II/2022 và có thể còn cao hơn vào thời điểm cuối năm. Kinh tế gia trưởng Yael Selfin tại Công ty Kiểm toán KPMG (Anh) nhận định các số liệu trên đang gây áp lực buộc BOE tiếp tục nâng lãi suất.
Phép thử của Tổng thống Biden
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 22-3 thông báo tại các Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Thượng đỉnh EU (Liên minh châu Âu) và Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) ở Brussels vào ngày 24-3, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ra tuyên bố về "hành động chung" nhằm củng cố an ninh năng lượng cho châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga.
Theo ông Sullivan, chuỗi sự kiện đặc biệt nêu trên cũng là dịp để Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận về giai đoạn hỗ trợ quân sự tiếp theo dành cho Ukraine.
Sau Brussels, Tổng thống Biden sẽ đến thủ đô Warsaw - Ba Lan, vào ngày 25-3 để thể hiện sự ủng hộ dành cho đồng minh có biên giới chung với Ukraine. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng dự kiến trò chuyện với những binh sĩ Mỹ đang góp sức bảo vệ lãnh thổ NATO và gặp gỡ nhóm chuyên gia hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nhân đạo bắt nguồn từ chiến tranh Nga - Ukraine, ông Sullivan cho biết thêm.
Tổng thống Biden cũng sẽ hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda. Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Duda đã đề xuất để Ba Lan thế chỗ Nga trong G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) và Washington muốn tham vấn với đồng minh về tư cách thành viên của Nga trong nhóm này.
Giới phân tích khẳng định Tổng thống Biden đến châu Âu khi đang đối mặt với sức ép gia tăng về việc làm thế nào để tăng cường sức ép lên Nga mà không khiến đồng minh xa lánh hoặc chiến tranh lan rộng. Đây được xem là một phép thử lớn đối với khả năng của ông chủ Nhà Trắng về việc thể hiện sức mạnh và trấn an đồng minh trong bối cảnh châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Nguồn tin: Người lao động