Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu biến động mạnh – Người khóc, kẻ cười

Bắt đầu từ cuối năm 2007, thị trường dầu mỏ quốc tế đã trở nên rối loạn với giá dầu tăng ở mức chưa từng thấy. Đến năm 2008, mà đỉnh điểm là vào trung tuần tháng 7, khi giá dầu đã tăng lên mức cao chưa từng thấy là 147,27 USD/thùng, cả thế giới lao đao. Tuy nhiên, sau giữa năm 2008, giá dầu đã sụt giảm và hiện ở mức 33,44 USD/thùng - thấp nhất trong bốn tháng qua. Điều dư luận quan tâm là diễn biến giá dầu sẽ đi tới đâu và những hệ quả.
 
Đảo chiều bất ngờ
 
Theo tổ chức Triển vọng Năng lượng Thế giới 2008, nhiều nhân tố đã góp phần làm tăng giá dầu kể từ năm 2003. Căng thẳng địa chính trị, đồng USD yếu và năng lực sản xuất của các nước xuất khẩu dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) suy yếu nghiêm trọng là những nhân tố đẩy giá dầu lên cao bên cạnh việc giới đầu cơ tìm cách trục lợi và bảo toàn vốn.
 
Giá dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm nay đã gây ra sức ép rất lớn đối với kinh tế thế giới. Giá dầu cao làm giảm sức mua của giới tiêu dùng, tăng lạm phát và khiến thâm hụt buôn bán của các nước nhập khẩu dầu mỏ trở nên nghiêm trọng hơn. Một số chuyên gia nhận định giá dầu tăng cũng góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế trong nửa cuối năm nay.
 
Tuy nhiên, giá dầu đã sụt giảm khi đồng USD tăng giá so với các nội tệ khác và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động tới nhu cầu năng lượng. Các tổ chức đầu tư đã rút hàng tỷ USD khỏi thị trường dầu mỏ khi giá sụt giảm và họ chưa thể quay lại đầu tư nếu tình trạng suy thoái chưa chạm đáy - có thể vào năm tới.
 
Tốt hay không tốt?
 
Đối với hầu hết mọi người, có lẽ tin tức tốt lành duy nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính là giá dầu giảm. Sự sụt giảm này đã làm dịu sức ép chi tiêu đối với các nước, các công ty và giới tiêu dùng cũng như cho phép các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong nỗ lực kích thích kinh tế mà không phải lo ngại về lạm phát.
 
Nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục hạ, các nước mà sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu lửa sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn. Theo họ, dầu mỏ - nguồn tài nguyên mang lại sự giàu có nhanh chóng cho một số nước trong mấy năm qua, giờ đây đang đẩy chính những nước này vào tình trạng bấp bênh.
 
Khi dầu thô vượt ngưỡng 80 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã khấp khởi sau hơn 15 năm phải bán dầu với giá rẻ (từ 1985-2000). Nhưng khi giá dầu rớt từ 147,5 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng, thậm chí còn có thể tiếp tục hạ vào năm 2009 nếu suy thoái vẫn hoành hành trên thế giới, thì giấc mơ về sự thịnh vượng cũng như những tham vọng của các nước nêu trên đang tiêu tan dần. Thậm chí những món nợ lớn về chính trị và xã hội đang đè nặng lên các nước này bởi vì sự ổn định hiện nay phần lớn được bảo đảm nhờ vào các khoản lợi tức kếch xù mang lại từ dầu lửa. Đối với các đế chế vùng Vịnh, dân số ít và những khoản tiền dự trữ kếch xù khiến họ ít phải chịu nguy cơ bất ổn đe dọa. Nhưng đối với những nước mà nguồn thu ngân sách thời gian qua phụ thuộc phần lớn nhờ xuất khẩu dầu lửa như Nga và đặc biệt là Venezuela, Iran, Iraq, Angieri, Nigieria và Angola sẽ phải đối mặt với sự bấp bênh này. Các nước trên sẽ đi vào giai đoạn nhạy cảm mà không ai có thể báo trước những gì sẽ xảy ra nếu khủng hoảng kinh tế thế giới còn tiếp tục kéo dài nhiều năm.
 
Dự báo giá dầu
 
Sự chú ý của mọi người đang tập trung vào diễn biến tương lai của giá dầu thế giới vì nó trực tiếp tác động tới đời sống hàng ngày và tình hình tài chính của các nước. Trong bối cảnh tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế ngày càng nghiêm trọng, nhiều thể chế tài chính đã hạ thấp dự báo về giá dầu trong năm tới.
 
Merrill Lynch đã giảm mức dự báo của họ từ 90 USD/thùng xuống 50 USD/thùng, mà không loại trừ khả năng còn 25 USD/thùng. Mạng tin tình báo kinh tế (EIU) của Anh thì điều chỉnh mức giá dầu dự báo cho năm 2009 theo hướng giảm mạnh. Các dự báo mới nhất cho rằng giá dầu trung bình cả năm 2009 sẽ chỉ ở mức 35 USD/thùng và sẽ phục hồi mạnh vào năm 2010.
 
Trong khi đó, các nhà phân tích Mỹ cảnh báo giá dầu quá thấp hiện nay sẽ khuyến khích việc mua vào và ảnh hưởng đến sản xuất, khiến giá dầu có thể tăng lại trong tương lai gần. Ngân hàng Paris dự đoán trong vài quý tới, nhu cầu vẫn yếu nhưng sự cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ đẩy giá cả lên vào cuối năm 2009. Tóm lại, “kỷ nguyên giá dầu rẻ” hiện nay sắp kết thúc vì nhu cầu dầu mỏ dài hạn vẫn mạnh. Triển vọng là giá dầu trên thế giới sẽ dao động khoảng 70 USD/thùng trong năm 2015, sau đó sẽ tăng lên 113 USD vào năm 2030.
 
Phải nói thêm rằng, dầu mỏ hiện đang giao dịch ở mức khoảng 40 USD/thùng, giảm rất mạnh so với mức đỉnh trong tháng 7/2008, khi người ta lo ngại về nguồn cung và do nạn đầu cơ. Lúc đó, nhu cầu dầu lửa của các nền kinh tế mới nổi được cho là vẫn đứng vững. Nay không còn yếu tố chi phối giá dầu như thời điểm đó, trừ yếu tố nhu cầu. Kinh tế toàn cầu chao đảo khiến nhu cầu dầu giảm. Trung Quốc, nước tiêu thụ 9% nhu cầu dầu của thế giới, cũng giảm nhu cầu về dầu do kinh tế đang chững lại. Mỹ và châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự và tình hình thậm chí còn xấu hơn khi bước vào năm 2009. Chỉ trong quý III, nhu cầu dầu của Mỹ giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
(Báo GTVT)
 

ĐỌC THÊM