Giá “vàng đen” bất ngờ đi xuống trong phiên 18/4 khi nhà đầu tư gia tăng lo ngại các nước trong và ngoài OPEC không gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 6.
Giá dầu rời khỏi mức cao nhất 5 tháng trong phiên này do chịu áp lực từ nguồn cung của Mỹ tăng cao cùng với tâm lý lo lắng về nguồn cung có thể dư thừa nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh không đồng ý kéo dài việc cắt giảm sản xuất.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 18/4.
Giá dầu Brent giảm 20 xu Mỹ, tương đương 0,3% so với phiên trước đó, xuống mức 71,42 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng đã sụt 0,1% trong phiên 17/4 sau khi chạm đỉnh kể từ ngày 8/11/2018 lên tới 72,27 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giao dịch ở mức 63,69 USD/thùng, hạ 7 xu Mỹ, khoảng 0,1%. Giá dầu WTI chốt phiên giao dịch ngày 17/4 cũng giảm 0,5%.
Số liệu chính thức công bố ngày 17/4 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng dầu dự trữ của nước này tính đến ngày 12/4 giảm 1,4 triệu thùng, thấp hơn nhiều dự báo của các nhà phân tích trước đó sụt 1,7 triệu thùng.
"Sự gia tăng liên tục về sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cùng với những lo ngại về nhu cầu bị ảnh hưởng do tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết đang hạn chế đà phục hồi của giá dầu thế giới”, Abhishek Kumar - Trưởng phòng Phân tích của Interfax Energy ở London, nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Innes của Công ty SPI Asset Management cho rằng đà giảm giá của “vàng đen” cũng được hạn chế bớt trong phiên nhờ đã nhận được sự hỗ trợ từ các số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, giảm bớt lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái.
Theo số liệu chính thức, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,4% trong quý I, bất chấp những đồn đoán trước đó về khả năng giảm tốc, giữa lúc các thị trường tài sản rủi ro toàn cầu cũng được trấn an khi Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc cũng tăng 8,5% trong tháng 3 - mạnh nhất kể từ tháng 7/2014. Doanh số bán lẻ tháng 3 nhích 8,7%, trong khi đó đầu tư vào tài sản cố định trong quý I tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đúng với dự báo.
Bên cạnh đó, trong tháng 3, lượng nguyên liệu đầu vào cho hoạt động lọc dầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới, đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường dầu mỏ tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay do nhận được lực đẩy quan trọng từ việc giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày của các nước OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga, từ tháng 1 đế hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ngoài ra, nguồn cung toàn cầu cũng được thắt chặt hơn do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên OPEC gồm Venezuela và Iran. Các nguồn tin từ OPEC cho biết, xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 4 này được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn