|
Biểu đồ giá dầu (tính bằng đô la Mỹ/thùng) 10 năm qua |
Người tiêu dùng và doanh nghiệp khắp nơi đang vui vì giá xăng dầu không còn là nỗi lo canh cánh giữa thời khủng hoảng và suy thoái; nhưng về lâu dài giá dầu rẻ cũng không phải là điều tốt.
Giá dầu thế giới đã rơi không phanh trong năm tháng liền; cuối tuần qua dầu còn 40 đô la Mỹ/thùng, giảm 72% so với giá hồi tháng 7-2008 và là mức giá thấp nhất nhiều năm qua. Giới kinh doanh dự đoán, giá dầu thậm chí có thể sẽ xuống thấp hơn nữa, ở mức 25 đô la Mỹ/thùng.
Giá dầu cao làm nhiều quốc gia điêu đứng vì lạm phát nhưng giá dầu thấp sẽ xói mòn nỗ lực đầu tư vào công nghiệp dầu mỏ, do đó làm giảm sản lượng dầu trong tương lai; đồng thời không khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng và làm mất ổn định các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Tất cả những điều đó sẽ làm cho giá dầu tương lai thêm đắt đỏ và biến động mạnh hơn nữa. Tệ hơn nữa là giá dầu thấp làm ngừng trệ mọi kế hoạch đầu tư vào các ngành nhiên liệu thay thế, con người sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ và gia tăng việc thải ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.
Giá dầu cao không tốt, giá thấp cũng không tốt, vậy bao nhiêu là vừa? Trong một tuyên bố hiếm hoi cuối tuần trước, vua Abdullah của Ả Rập Saudi, nước sản xuất nhiều dầu nhất thế giới, nói rằng, 75 đô la Mỹ/thùng dầu là mức “đẹp” (fair). Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả Rập Saudi, Ali al-Naimi, sau đó giải thích rằng, mức giá ấy có tác dụng khuyến khích tăng thêm sản lượng dầu từ những nguồn tài nguyên giới hạn và chi phí cao.
Nhưng không hẳn ai cũng đồng tình với mức giá 75 đô la mà Ả Rập Saudi đưa ra. Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Toshihiro Nikai nói với các nhà báo ở Tokyo rằng: “Đối với chúng tôi, dầu càng rẻ càng tốt”.
Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của Ngân hàng Đức Deutsche Bank, Michael Lewis, nhận định: “Cần phải tìm ra một “điểm ngọt” (sweet spot) sao cho giá dầu vừa có thể kích thích thăm dò, khai thác dầu vừa kích thích đầu tư vào những dự án năng lượng thay thế”. Bộ trưởng dầu mỏ Ấn Độ, R. S. Pandey, cũng cho rằng giá dầu mỏ ổn định ở mức hợp lý là điều tối cần thiết cho việc lập kế hoạch phát triển dài hạn. “Là nước tiêu thụ dầu mỏ quan trọng, chúng tôi muốn giá dầu ổn định chung quanh mức hiện nay. Điều quan trọng hơn sự đắt rẻ là sự ổn định; việc giá dầu lên xuống bất thường mà ta thấy trong năm nay là hết sức tệ hại”, Bộ trưởng Pandey nói.
Nhiều nhà kinh tế về dầu mỏ nói rằng, “điểm ngọt” hợp lý là cao hơn mức giá hiện nay một chút, còn theo ông Michael Lewis, “điểm ngọt” của giá dầu nằm vào khoảng giữa 60-80 đô la Mỹ/thùng. Simon Wardell, Giám đốc nhóm thị trường năng lượng của Công ty Tư vấn Global Insight ở London dựa vào sự đồng ý rộng rãi giữa OPEC và IEA, giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước tiêu thụ dầu, cho rằng mức giá 75 đô la Mỹ/thùng dầu mà vua Abdullah đề xuất là phù hợp.
Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, tư vấn cho 28 quốc gia công nghiệp về chính sách năng lượng, nói rằng, giá dầu thấp dưới giá thành như hiện nay cũng gây hại cho các nước tiêu thụ dầu mỏ, ngăn cản những khoản đầu tư lâu dài vào các nguồn nhiên liệu mới, kể cả việc khoan dầu ngoài khơi rất tốn kém. David Fyfe, phụ trách bộ phận thị trường dầu mỏ của IEA, cho biết: “Thật khó để đưa ra một con số chính xác rằng giá dầu bao nhiêu là vừa, nhưng chúng ta có thể gặp nguy hiểm nếu giá dầu xuống thấp hơn nữa vì điều đó sẽ làm gia tăng cơ hội tắc nghẽn nguồn cung trong tương lai”, ông nói.
OPEC giảm sản lượng dầu Chủ tịch Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, ông Chakib Khelil, cho biết tại hội nghị 14 nước thành viên vào ngày 17-12 sắp tới OPEC sẽ quyết định giảm sản lượng dầu. Ông Chakib Khelil không nói rõ mức giảm là bao nhiêu nhưng cho biết là “nghiêm trọng” và lớn hơn mức dự tính hiện nay nhằm tạo ra một “sự ngạc nhiên” cho thị trường, từ đó đẩy giá dầu lên. Một số nhà phân tích dự báo rằng OPEC sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hồi tháng 10, OPEC đã quyết định giảm sản xuất mỗi ngày 1,5 triệu thùng dầu nhưng vẫn không đủ sức nâng giá dầu do giới kinh doanh lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái đã làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Ông Chakib Khelil cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu ngoài khối OPEC - đặc biệt là Nga - tiến hành giảm sản lượng để “cứu” giá dầu. Được biết Nga sắp ký kết một biên bản hợp tác với OPEC và ông Chakib Khelil hy vọng Nga cũng giới hạn sản lượng dầu trong một “hạn mức” như các thành viên OPEC. OPEC hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu tiêu thụ trên thế giới. Tình trạng giá dầu dưới giá thành và lên xuống thất thường như hiện nay đang gây khó khăn cho nhiều nước thành viên mà nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ như Algerie, Iraq. |
(SanOTC)