Chỉ trong một phiên giao dịch, giá dầu đã lao dốc hơn một phần mười sau khi các cơ quan y tế công bố xác định được biến thể virus corona nguy hiểm mới nhất ở Nam Phi. Dầu thô Brent rớt từ hơn 80 USD xuống còn khoảng 72 USD/thùng và West Texas Intermediate xuống còn 68 USD/thùng trong vòng chưa đầy 24 giờ, vài ngày sau khi giá phản ứng với việc xả 50 triệu thùng từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ. Và với Brent ở mức 72 USD, OPEC gần như chắc chắn sẽ dừng chính sách tăng nguồn cung của mình.
Rory Johnston, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Price Street, nói với Financial Times: “Rõ ràng vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu biến thể mới này có thực sự gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhu cầu dầu mỏ hay không, với tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh kể từ mùa hè. Nhưng thị trường không chờ đợi để tìm ra câu trả lời. Bán liền, đặt câu hỏi sau”.
Việc bán tháo này là phản ứng trước sự lo ngại của OPEC về nhu cầu dầu, được lên tiếng gần đây và có khả năng là một phần trong quá trình chuẩn bị để thông báo việc ngừng bổ sung hàng tháng 400.000 thùng/ngày vào tổng sản lượng dầu của OPEC+ cho đến khi trở lại mức trước đại dịch. Dù sao thì nhóm cũng không bao giờ tăng thêm được 400.000 thùng/ngày, vì một số thành viên đã phải chật vật để tăng sản lượng.
OPEC hiện giờ có nhiều lý do chính đáng để hạn chế nguồn cung trở lại. Đầu tiên, động thái giải phóng kho dự trữ của Hoa Kỳ, cũng liên quan đến những nước tiêu thụ dầu lớn khác mà tình cờ là đồng minh của Washington, không có cơ hội được OPEC hoan nghênh. Trên thực tế, các báo cáo xuất hiện gần như ngay lập tức sau thông báo giải phóng SPR rằng Ả Rập Xê-út và Nga đã xem xét việc tạm ngưng chính sách tăng sản lượng.
Dẫn các nguồn tin giấu tên nắm rõ vấn đề này, tờ Wall Street Journal viết hôm thứ Tư rằng hai nhà sản xuất dầu lớn nhất trong tổ chức này có xu hướng tạm dừng việc bổ sung sản lượng, trong khi những nước khác, chẳng hạn như UAE, không có lý do gì để thay đổi chiến lược. Sau đợt lao dốc hôm thứ Sáu, quan điểm này có thể đã thay đổi.
Sau đó, OPEC tiếp tục gợi lên khả năng về việc tạm ngừng tăng sản lượng: Ủy ban Kinh tế (ECB) của OPEC - một cơ quan tư vấn trong tổ chức - cho biết trong tuần này, các kho dự trữ dầu do Hoa Kỳ và các đối tác giải phóng sẽ làm nguồn cung dầu toàn cầu thừa khoảng 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng Một và tháng Hai, theo một tài liệu mà Bloomberg trích dẫn.
Trong tài liệu, ECB của OPEC cho biết nếu 66 triệu thùng được Mỹ và các đồng minh bổ sung vào nguồn cung toàn cầu, thì lượng dầu dư thừa toàn cầu sẽ tăng lên 2,3 triệu thùng/ngày vào tháng 1 năm 2022 và 3,7 triệu thùng/ngày vào tháng 2. Thêm vào đó là nỗi sợ hãi về dịch Covid mới nhất và việc tạm dừng bổ sung nguồn cung chỉ là một thỏa thuận đã xong. Và nó có thể không kết thúc với sự dừng lại của 400.000 thùng/ngày trong các đợt bổ sung.
“Tôi nghĩ khi chúng ta bước vào cuộc họp OPEC hôm thứ Năm, câu hỏi không chỉ là họ có tạm dừng mà còn có khả năng họ thực sự rút lại một số thùng dầu vì lo ngại về biến thể mới này cùng với việc giải phóng SPR rất lớn,” Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Markets, cho biết được CNBC dẫn lời.
Croft cũng cho biết: “Chúng ta sẽ có rất nhiều thùng dầu đổ vào thị trường này, khi có những lo ngại về các lệnh hạn chế phong tỏa mới,” Croft cũng nói. “Một lần nữa, còn quá sớm để nói liệu chính phủ các nước có kích hoạt các biện pháp như vậy hay không, nhưng thị trường sẽ lo ngại.”
Đầu tuần trước, một nhà phân tích của Rystad Energy đã mô tả tình hình hiện tại là một “kiểu cuộc chiến giá mới và chưa có hồi kết”, giữa người tiêu dùng với các nhà sản xuất. Các nhà phân tích khác lưu ý rằng OPEC nắm giữ tất cả các con át chủ bài, tuy nhiên nhiều nước đã giải phóng kho dự trữ.
John Kilduff từ Again Capital dự đoán rằng OPEC sẽ thực hiện động thái của mình nếu WTI giảm xuống dưới 70 đô la: “Các chiến tuyến đang được vạch ra,” ông nói với Bloomberg vào tuần trước sau thông báo xả kho SPR. “Chắc chắn, OPEC và Ả Rập Xê Út có thể giành chiến thắng vì họ đang nắm giữ tất cả các quân bài. Họ có thể giữ cho dầu ở ngoài thị trường nhiều hơn so với lượng dầu được giải phóng khỏi SPR. Nếu bạn thấy WTI xuống dưới 70 đô la, thì tôi nghĩ là sẽ có sự phản hồi từ OPEC+”.
Phản ứng tiềm năng này sẽ không có gì gây ngạc nhiên nếu xét đến thông tin mới nhất về virus corona. Theo các báo cáo gần đây, chủng mới đã lan đến châu Âu, với Anh, Đức, Bỉ và Ý xác nhận việc phát hiện ra biến thể mới. Với việc châu lục này đã ở trong tình trạng báo động cao vì các ca bệnh gia tăng, ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, tin tức này sẽ chỉ càng tăng thêm lo ngại về việc các biện pháp hạn chế nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Và virus dường như đang lây lan nhanh.
Điều mà những sự kiện mới nhất đã chứng tỏ một lần nữa đó là đại dịch vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đối với giá dầu. Gần hai năm qua, việc xác định các biến thể mới và sự bùng nổ số ca nhiễm tại những thị trường dầu quan trọng vẫn gây tác động xấu tới giá dầu nhiều hơn là bởi những hành động có chủ ý của chính phủ các nước.
Nguồn tin: xangdau.net