Liên minh châu Âu dường như đang nóng lên với ý tưởng về các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với ngành năng lượng của Nga, ban hành lệnh cấm nhập khẩu than. Hoa Kỳ sẽ giải phóng 180 triệu thùng dầu thô, và một số thành viên IEA cũng sẽ xả kho thêm 60 triệu thùng nữa. Và Ả Rập Xê Út vừa mới tăng giá cho tất cả người mua. Giá dầu cao hơn nhiều có thể sắp xảy ra.
Khi một vài tháng trước, các nhà phân tích dường như đang cố gắng dự báo về giá dầu thô, thì các yếu tố tăng giá thường được trích dẫn nhất là OPEC+ không sẵn sàng thúc đẩy sản lượng nhiều hơn so với thỏa thuận ban đầu trong khi nhu cầu dầu tiếp tục mạnh lên.
Nhưng giờ đây, tất cả các tin tức dường như là về cuộc chiến ở Ukraine, và yếu tố tăng giá chính đối với dầu là sự sụt giảm dự kiến tiếp tục trong xuất khẩu dầu của Nga. Quốc gia này là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu lớn nhất và là nhà cung cấp lớn cho Liên minh châu Âu, điều này giải thích cho việc do dự của EU khi nhắm trực tiếp vào ngành năng lượng của Nga. Tuy nhiên, áp lực ngày càng lớn đối với Brussels để làm điều đó, và với than đá đã nằm trong danh sách trừng phạt, thì có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi dầu mỏ cũng trở thành mục tiêu. Khi điều này xảy ra, dầu Brent có thể vượt mốc 120 USD và duy trì ở mức đó.
Trong khi đó, Mỹ đã công khai tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu của Nga, nhưng trên thực tế, lệnh cấm sẽ chỉ có hiệu lực vào ngày 22/4, và trong thời gian này, Mỹ đang tranh thủ tích trữ dầu và các sản phẩm của Nga.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng, trong tuần tính đến ngày 25 tháng 3, Mỹ đã nhập khẩu trung bình 100.000 thùng dầu và nhiên liệu của Nga, tăng so với mức 70.000 thùng/ngày trong tuần trước đó và 0 thùng mỗi ngày vào một tháng trước đó.
Trong khi tất cả những điều này đang diễn ra, thì giá dầu đã rớt mạnh sau thông báo về việc xả kho SPR của Hoa Kỳ, với West Texas Intermediate thậm chí còn giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Tuy nhiên, đợt giảm giá chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và giá một lần nữa lại về trên 100 USD do các nguyên tắc cơ bản tự củng cố lại sau phản ứng ban đầu của thị trường đối với quyết định của chính quyền Biden về việc giải phóng kho dự trữ.
Bây giờ, giá có khả năng tiếp tục tăng, giống như sau đợt xả kho SPR đầu tiên vào năm ngoái của chính quyền Biden, nhằm nỗ lực hạn chế đà tăng giá nhiên liệu bán lẻ. Vào thời điểm đó, giá phản ứng với sự sụt giảm ngay sau khi có thông tin này nhưng sau đó tăng trở lại khi cảm xúc nhường chỗ cho sự thật.
Những điều này bao gồm loại dầu được giải phóng từ kho dự trữ không phải là loại mà những nhà máy lọc dầu cần để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu, ngoài ra, việc giải phóng kho dự trữ chỉ có thể mang lại sự cứu trợ tạm thời cho giá xăng mà không thực sự khắc phục được vấn đề nguồn cung.
Giờ đây, đợt xả kho sắp tới sẽ lớn so với đợt đầu tiên. Nó sẽ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian sáu tháng. Về mặt lý thuyết, con số này sẽ bù đắp một phần ba mức sụt giảm xuất khẩu dầu của Nga theo như dự đoán của IEA. Song, trên thực tế, các nhà giao dịch có lẽ đã bắt đầu lo lắng về việc chính quyền sẽ bổ sung SPR như thế nào sau khi xả kho và điều đó sẽ ảnh hưởng gì đến giá dầu.
Trong khi đó, tại châu Âu, giá than tăng vọt sau thông tin về lệnh cấm nhập khẩu than đối với Nga, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá 4 tỷ euro (4,39 tỷ USD) mỗi năm. Điều này sẽ cắt giảm một nguồn thu quan trọng khác của Nga”.
Đáng buồn thay, nó cũng sẽ làm tăng chi phí năng lượng cho châu Âu hơn nữa, làm nóng cuộc tranh luận về việc các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang thực sự gây tổn hại cho ai nhiều hơn: Nga hay EU. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Liên minh châu Âu nhập khẩu 45% lượng than mà họ sử dụng từ Nga. Do đó, 45% than nhập khẩu hiện sẽ cần phải thay thế vì việc cắt giảm mạnh sử dụng than đơn giản không phải là một lựa chọn.
Thật bất ngờ, Indonesia, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đã tăng giá giao tháng 4 lên tới 42%. Điều này nghe có vẻ khá giống với những gì Ả Rập Xê Út đã làm với giá dầu của mình và có thể có ý nghĩa tương tự: người mua hiện có ít lựa chọn hơn; đó là thị trường của người bán.
Tuy nhiên, giá than có thể còn tăng hơn nữa vì Nga cung cấp tới 70% than nhiệt của châu Âu, loại được sử dụng để sản xuất điện và sưởi ấm. Và để làm cho mọi thứ trở nên thú vị hơn, dự trữ than nhiệt toàn cầu đang khan hiếm, theo Rystad Energy.
Điều này có tác động gì đối với dầu? Dựa trên những gì chúng ta nhìn thấy với giá khí đốt và than ở châu Âu năm ngoái, giá của tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch đều có mối liên hệ với nhau. Khi một thứ trở nên đắt đến mức nghiêm trọng, nhu cầu đối với những thứ khác sẽ tăng lên. Trên thực tế, đó là lý do tại sao giá than tăng vọt vào năm ngoái, khi các công ty điện chuyển từ khí đốt sang than để tìm kiếm nguồn năng lượng hợp lý hơn.
Trong tình huống này, quy luật bình thường để cứu giá dầu cao hơn là giá dầu cao hơn không thực sự được áp dụng, ít nhất là không hoàn toàn. Nhu cầu năng lượng rất khó triệt tiêu, bất kể giá cả như thế nào, đặc biệt là ở những nơi như Liên minh Châu Âu, nơi mọi người đã sống hoàn toàn tiện nghi và an ninh về năng lượng trong vài thế hệ qua.
Giá dầu có thể sẽ tăng sau lệnh cấm của EU đối với than của Nga. Và nếu EU quyết định đi xa hơn và nhắm mục tiêu vào chính dầu mỏ, thì mọi thứ có thể trở nên thực sự thú vị về mặt giá cả và trên đường phố của các thành phố châu Âu.
Nguồn tin: xangdau.net