Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 10/4, khi những lo ngại về lãi suất cao có thể hạn chế nhu cầu đã cân bằng với triển vọng thắt chặt nguồn cung do các nhà sản xuất lớn giảm sản lượng.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên 10/4. Ảnh: TTXVN phát
Đồng USD tăng sau khi số liệu việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy thị trường lao động nước này vẫn “khỏe mạnh”, làm tăng kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng bạc xanh mạnh lên khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Phiên này, giá dầu Brent giảm 96 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 84,58 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 94 xu Mỹ (0,1%) xuống 79,74 USD/thùng. Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đã giảm hơn 1 USD trước đó trong cùng phiên.
Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết hoạt động giao dịch trên thị trường năng lượng trong tuần này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi số liệu lạm phát của Mỹ, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố vào Thứ Tư và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào Thứ Năm. Những số liệu này có khả năng sẽ làm hồi sinh nỗi ám ảnh về lãi suất cao hơn, từ đó củng cố đồng USD.
Bên cạnh đó, báo cáo CPI của Mỹ có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngắn hạn.
Tuần trước, giá dầu đã tăng hơn 6% sau khi nhóm OPEC+ - gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối - gây bất ngờ cho thị trường với một đợt cắt giảm sản lượng mới bắt đầu vào tháng Năm.
Giá “vàng đen” cũng nhận được sự hỗ trợ từ việc dự trữ dầu thô, cũng như dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước, cho thấy nhu cầu tại thị trường này tăng lên.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ chú tâm tới các báo cáo hàng tháng từ OPEC vào thứ Năm và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Sáu. Những báo cáo này sẽ cập nhật dự báo về cung và cầu cho thị trường dầu mỏ toàn cầu./.
Nguồn tin: Bnews