Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng ít nhất mười ngày đến cả tháng sau, các doanh nghiệp taxi mới đủng đỉnh giảm giá cước. Ông Nguyễn Văn Thanh - cục phó Cục Đường bộ VN - cho rằng do các doanh nghiệp vin vào cớ trạm kiểm định đồng hồ taxi làm chậm nên giảm giá cước chậm.
|
Việc kiểm định đồng hồ chậm là lý do mà các hãng taxi đưa ra để giải thích việc chậm giảm giá cước - Ảnh: T.T.D. |
Một nguồn tin nói TP.HCM có hai trạm kiểm định đồng hồ tính cước taxi (taximet) với công suất khoảng 3.000 xe/tháng (kể cả làm việc ngày thứ bảy và chủ nhật) nên việc điều chỉnh giảm giá cước taxi cho gần 10.000 taxi của 34 hãng taxi hoạt động ở TP.HCM sẽ mất ít nhất ba tháng.
Ông Đinh Quang Hiền - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - nhận định các trạm kiểm định đồng hồ taxi làm không xuể, nếu nhanh nhất phải mất nửa tháng doanh nghiệp mới điều chỉnh giảm giá cước taxi.
Vẫn trả giá cao
|
Một số taxi vẫn chưa giảm giá cước. Taxi Mai Linh vẫn 11.000 đồng/km (ảnh chụp sáng 16-11 tại TP.HCM) - Ảnh: T.T.D |
Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc điều hành Công ty taxi Vinasun - cho biết cách đây vài ngày đã có vài trăm xe Vinasun điều chỉnh giảm giá cước từ 11.000 đồng/km xuống còn 10.500 đồng/km. Nay giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng/lít nên đơn vị quyết định giảm giá cước còn 10.000 đồng/km. Thế nhưng do ùn ứ ở trạm kiểm định nên hiện nay taxi Vinasun có ba giá cước gồm: giá cước 11.000 đồng/km đối với xe chưa điều chỉnh đồng hồ tính cước, 10.500 đồng/km đối với xe đã điều chỉnh và 10.000 đồng/km cho loại xe vừa điều chỉnh từ ngày 16-11.
Điều này cho thấy nhiều hãng taxi tuyên bố giảm giá cước taxi nhưng thực tế chỉ có số xe nào được kiểm định mới giảm, còn lại là xe chưa giảm vì còn chờ kiểm định đồng hồ. Do đó, người tiêu dùng vẫn trả giá cước taxi cao cho xe chưa kiểm định đồng hồ taxi trong một thời gian dài. Bởi vì có không ít doanh nghiệp lợi dụng dịp xếp hàng chờ kiểm định đồng hồ để đủng đỉnh hạ giá cước taxi.
Vì sao giá cước taxi không giảm ngay khi giá xăng dầu đã giảm? Ông Trương Quang Mẫn - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh - cho biết theo quy định của các cơ quan thẩm quyền, doanh nghiệp phải gửi thông báo giá cước mới đến các cơ quan quản lý như Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Giao thông vận tải TP và sau ba ngày doanh nghiệp mới được áp dụng giá cước mới. Như vậy, cùng với cơ chế trình báo giá cước mới và tình trạng quá tải ở trạm kiểm định đồng hồ tính cước khiến người tiêu dùng phải móc thêm tiền túi khi đi taxi.
Thêm trạm taximet
Theo ông Trương Quang Mẫn, để đưa xe vào hoạt động sớm, ngoài tiền kiểm định 70.000 đồng/xe, đơn vị đã trả thêm 70.000 đồng tiền bồi dưỡng cho cán bộ kiểm định đồng hồ taxi làm đêm. Ông Tạ Long Hỷ nói Vinasun có 2.300 taxi, nếu mỗi chiếc nằm chờ kiểm định một ngày là mất doanh thu 1 triệu đồng. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường nhân viên để cùng cán bộ kiểm định đồng hồ taxi nhanh. Vậy mà có lúc máy kiểm định bị hỏng khiến đơn vị mệt mỏi! Ông Đinh Quang Hiền đề nghị phải tăng thêm trạm taximet di động để kịp giải quyết cho các doanh nghiệp taxi.
Nhận định về lúc giá xăng dầu tăng thì các hãng taxi tăng giá cước rất nhanh, nhưng lúc giá xăng dầu hạ lại giảm giá cước chậm, ông Nguyễn Văn Thanh - cục phó Cục Đường bộ VN - cho rằng do các doanh nghiệp vin vào cớ trạm kiểm định làm chậm nên giảm giá cước chậm. Tuy nhiên có thực tế nhiều doanh nghiệp taxi than phiền quá thiếu trạm taximet, trong khi các cơ quan thẩm quyền không lường trước được.
Ngành đăng kiểm đã thực hiện chủ trương xã hội hóa cho tư nhân làm kiểm định xe cơ giới đường bộ, tại sao Bộ Khoa học - công nghệ không xã hội hóa kiểm định taximet? - một số chuyên gia về giao thông vận tải đặt vấn đề như vậy. Ông Nguyễn Văn Thanh nói thêm đừng sợ các trạm taximet tư nhân làm bậy. Vấn đề chính là các cơ quan hữu quan và hội bảo vệ người tiêu dùng cùng tham gia kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện làm sai sẽ xử lý về hình sự.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, giá cước taxi thuộc loại hình dịch vụ công cộng, liên quan đến Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học - công nghệ. Vì vậy, đây là vấn đề cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và giải quyết. Chẳng hạn, các cơ quan nhà nước sẽ đưa ra khung giá cước vận tải cho phép tăng hoặc giảm khi mức giá nhiên liệu tăng hoặc giảm ở tỉ lệ bao nhiêu. Điều này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng tăng giá hoặc không chịu giảm giá cước dù giá nhiên liệu đã giảm.
Nhiều lý do để từ từ giảm giá cước Dù chưa thống kê đầy đủ nhưng ông Đỗ Quốc Bình - chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho biết đã có nhiều doanh nghiệp giảm cước 10% sau khi giá xăng dầu giảm từ ngày 8-11. Việc giá xăng dầu giảm nhỏ giọt liên tiếp khiến doanh nghiệp taxi không thể chạy theo kịp trong việc điều chỉnh giá cước, vì mỗi lần điều chỉnh phải thay đổi tem kiểm định đồng hồ tính cước, rất mất thời gian. Vì vậy, xăng dầu giảm tiếp 1.000đ/lít nhưng rất khó để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, tính toán lại mức giảm thêm 1-2% giá cước. Ông Bình cho rằng giá xăng dầu chỉ chiếm một phần trong các yếu tố tạo nên giá cước taxi, việc đợi chờ điều chỉnh đồng hồ tính cước cũng không phải là trở ngại chính. Nhưng trong bối cảnh các công ty bảo hiểm liên kết tăng giá bảo hiểm, lãi suất vay ngân hàng cao và giá xe, giá phụ tùng cao đang là gánh nặng khiến nhiều doanh nghiệp taxi vẫn loay hoay tìm cách tính giá cước phù hợp: không giảm cước thì khách hàng kêu nhưng giảm thì kinh doanh không hiệu quả. T.PHÙNG Bảng giá xăng và giá cước taxi |
(Nguồn Tuổi trẻ)