Việc giá bán rất thấp trong thời gian quan khiến cho thị trường xăng dầu nội địa bất ổn?
Công văn của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, giá bán quá thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mối- Ảnh:TL
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi Chính phủ về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động kinh doanh của dự án lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR).
Đáng chú ý, trong công văn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra những khó khăn của dự án lọc dầu Dung Quất so với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo đó, tỉnh này cho biết nhà máy lọc dầu Dung Quất đang gặp khó khăn do chịu nhiều tác động từ diễn biến giá dầu thô của thế giới và nguồn cung sản phẩm ra thị trường tăng mạnh.
“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa từ tháng 5-2018 đến nay đúng thời điểm nhu cầu thị trường khá thấp, trong khi đó nguồn cung từ nhập khẩu và nguồn hàng của BSR lại khá dồi dào.
Điều này khiến cho thị trường bị dư thừa nguồn cung, dẫn tới việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR bị ảnh hưởng lớn và theo hướng bất lợi" – UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu thực tế.
UBND tỉnh Quảng Ngãi liệt kê các chính sách khác nhau giữa hai dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đánh giá thị trường sẽ tiếp tục dư thừa một lượng xăng dầu rất lớn vì khối lượng xăng của Nghi Sơn đã sản xuất từ tháng 6-2018 vẫn chưa tiêu thụ hết và vẫn đang còn nằm ở các kho tại phía Nam và phía Bắc.
Dự kiến lượng cung vượt cầu khi lên tới 800.000-1 triệu m3 xăng các loại, gây áp lực lên việc tiêu thụ sản phẩm cuối năm 2018 và các năm tới.
Đặc biệt, công văn của tỉnh Quảng Ngãi cho biết theo ghi nhận ý kiến một số khách hàng như Petrolimex, việc giá bán rất thấp trong thời gian qua khiến cho thị trường xăng dầu nội địa bất ổn. Giá bán quá thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mối.
Đồng thời công văn trên cũng cho rằng trong bối cảnh tiêu thụ xăng dầu trên thị trường gặp khó, BSR còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách. Hiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang có nhiều ưu đãi hơn so với Dung Quất.
“Dự án Nghi Sơn được hưởng cơ chế cấp bù 3% với các sản phẩm hóa dầu khác, 5% với khí hỏa lỏng và 7% cho xăng dầu nhưng Dung Quất không còn được hưởng. Thời hạn áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho Nghi Sơn là suốt đời doanh nghiệp, trong khi Bình Sơn là 30 năm kể từ khi hoạt động...”- văn bản nêu.
Từ đó, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ cho BSR được giữ nguyên cơ chế hiện nay với một số cơ chế tài chính ưu đãi, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ BSR thay thế cho việc cấp bảo lãnh Chính phủ để BSR có năng lực tài chính huy động nguồn vốn vay trên thị trường vốn, thúc đẩy triển khai dự án nâng cấp mở rộng.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận phương án điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô tương tự như dự án Nghi Sơn được hưởng.
Nguồn tin: plo.vn