So với thời điểm giá dầu thô trên thị trường thế giới lên mức 147 USD/thùng, nay ở quanh mức 40 USD/thùng, giá dầu thô đã giảm hơn 70%. Nhưng, giá xăng bán lẻ trong nước mới chỉ giảm hơn 40%.
Mới đây, Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng xuống mức 25% kể từ 10-2-2009. Sau quyết định của Bộ Tài chính, dư luận đặt câu hỏi: Liệu giá xăng bán lẻ tới đây có giảm?
Giá dầu thô giảm, doanh nghiệp vẫn lỗ?
Thời gian qua, giá dầu thô thế giới dao động quanh mức hơn 40 USD/thùng, người tiêu dùng hy vọng giá xăng bán lẻ sẽ tiếp tục giảm. Song, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu cho biết, giá dầu thô chỉ là một trong những điều kiện, chứ không phải yếu tố quyết định tăng, giảm giá xăng, dầu bán lẻ. Về việc Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng xuống mức 25%, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, 20 ngày qua, giá xăng thành phẩm tăng gần 8 USD/thùng, nên với mặt hàng xăng, các DN kinh doanh đang lỗ khoảng 1.500 đồng/lít. Việc Nhà nước điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng xuống mức 25% nhằm giúp DN bớt lỗ. Vì vậy, dù thuế nhập khẩu đã giảm, song Petrolimex vẫn chưa thể hạ giá bán lẻ xăng. Ông Vương Đình Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội cũng cho biết, những ngày gần đây, giá dầu thô trên thế giới có nhiều biến động, có thời điểm đã tăng lên mức 50 USD/thùng. Nửa tháng nay, nếu dựa trên mức giá xăng thành phẩm nhập khẩu và các loại thuế, phí, DN lỗ khoảng 1.000 đồng/lít. Theo đại diện một DN kinh doanh xăng dầu khác, các DN đang phải trích trả nợ ngân sách tạm ứng lỗ (năm 2008) là 1.000 đồng/lít xăng. Nếu tính giá xăng nhập khẩu thời điểm hiện nay, cộng với thuế nhập khẩu và phí các loại... DN lỗ khoảng 1.600 đồng/lít. Cộng cả hai đợt giảm thuế của Nhà nước mới đây cũng chỉ tương ứng với 600 đồng/lít xăng. Như vậy, DN lỗ khoảng 1.000 đồng/lít, nên chưa thể giảm giá xăng.
Điều hành giá xăng linh hoạt, công bằng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, những ngày gần đây, Bộ liên tục nhận được phản ánh của DN về việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ. Lãnh đạo Bộ đã bàn bạc kỹ trước khi đi đến quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng xuống mức 25%. Chủ trương của Chính phủ trong năm 2009 là chặn đà suy giảm kinh tế và duy trì mục tiêu tăng trưởng, trong đó coi trọng việc hỗ trợ DN vượt "bão". Vì vậy, việc điều hành giá xăng cũng phải bám sát chủ trương này, sao cho hài hòa quyền lợi của ba phía: Nhà nước - DN và người tiêu dùng. Mục đích là vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, giúp DN tránh thua lỗ, điều hành giá bán lẻ linh hoạt và công bằng. Thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng giá cả biến động trái với quy luật. Thông thường, khi giá dầu thô giảm, thì giá xăng thành phẩm cũng giảm theo. Nhưng vừa qua, có thời điểm giá dầu thô giảm, song giá xăng thành phẩm lại tăng, gây ra những khó khăn nhất định cho DN. Vì vậy, bên cạnh việc điều hành giá sao cho linh hoạt, công bằng, công tác dự báo cũng đóng vai trò quan trọng giúp Nhà nước, DN chủ động hơn khi lên kế hoạch điều hành, kinh doanh.
Kể từ 10-2, quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu xuống mức 25% được áp dụng, chi phí "đầu vào" một lít xăng gồm thuế nhập khẩu 25%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; thuế VAT 10%; nợ vay ngân sách tạm ứng 1.000 đồng; phí xăng dầu 1.000 đồng. Ngoài ra còn lãi suất ngân hàng, trượt giá ngoại tệ, hao hụt xăng dầu, chi phí cho DN, chi phí hoa hồng cho đại lý, tổng cộng là 900 đồng. Theo tính toán của các DN, với mức giá xăng thành phẩm hiện tại trên thị trường Xin-ga-po là 52 USD/thùng, cộng với chi phí như trên, giá một lít xăng A92 gần 12.000 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc DN đang lỗ gần 1.000 đồng/lít, vì giá bán lẻ xăng hiện nay là 11.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới đã quanh mức 40 USD/thùng (giảm hơn 70% so với thời điểm giá dầu đạt mức 147 USD/thùng) trong một thời gian dài đã giúp các DN đầu mối dự trữ được một lượng hàng đáng kể phục vụ kinh doanh. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã liên tiếp giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ 40% xuống 25%. Song, giá xăng bán lẻ trong nước giảm chưa tương xứng, mới chỉ giảm từ 19.000 đồng/lít, xuống 11.000 đồng/lít. Đã đến lúc cơ quan quản lý giá và DN kinh doanh xăng dầu cần tính toán hợp lý giá bán lẻ xăng trong nước, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Bởi xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu, tác động đến giá bán của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.
(Hà Nội Mới)