BBộ KHCN vừa giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu thiết kế "hộp đen" để gắn vào các cây xăng trên toàn quốc. Thiết bị này có thể phát hiện sự gian lận, nếu có ở các cây xăng...
Bộ KHCN vừa giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu thiết kế hộp đen để gắn vào các cây xăng trên toàn quốc. Đây là thiết bị lưu các thông số về lượng hàng nhập vào - bán ra, có thể giúp lực lượng thanh tra tính sai số tại cây xăng, xác định thời điểm bắt đầu gian lận và khoảng thời gian "móc túi" khách hàng.
Mua xăng, thấp thỏm lo bị đong thiếu. Ảnh: Q.H
Theo đề xuất của TS. Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng VN tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng xăng, dầu, gas năm 2008 (Hà Nội, 26/12), nên thu hồi khoản thu bất chính từ các cây xăng gian, lập quỹ bảo vệ người tiêu dùng và quỹ quản lý, thanh tra lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, gas.
Cùng với việc gắn hộp đen, Bộ KHCN có thể cùng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đề xuất áp quy định trang bị máy tính tiền có thể in hoá đơn để người tiêu dùng làm căn cứ pháp lý khi khiếu nại. Việc trang bị bình gas "chuẩn" ở mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh gas, theo ông Thắng, cũng nên được tính đến, để người tiêu dùng có thể đối chứng như dùng chiếc cân chuẩn ở các chợ.
Ông Thắng còn đề nghị in số điện thoại đường dây nóng Quản lý thị trường, Thanh tra KH&CN, Chi cục Đo lường và Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng lên mọi cây xăng, cơ sở sản xuất, kinh doanh gas.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lành mạnh hoá môi trường kinh doanh xăng, dầu, gas, TS. Hồ Tất Thắng và ông Phạm Quang Viễn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) kiến nghị thực thi những biện pháp quyết liệt hơn để chống gian lận. Cụ thể: Khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự với cơ sở vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng (móc túi khách hàng số lượng lớn, thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, trắng trợn), hoặc cơ sở gian tái phạm, theo tội lừa dối khách hàng quy định tại điều 162 Bộ luật Hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra xử lý.
Theo ông Hồ Tất Thắng, chỉ vài vụ phạt tù, sẽ đủ đánh động, răn đe. Kinh doanh xăng, dầu, gas là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên rất cần nghiêm khắc trong cấp phép kinh doanh (cây xăng tự chế nay vẫn đang được phép bán), và cần quy định đạo đức kinh doanh như y đức thầy thuốc, đòi hỏi cam kết công khai và thái độ chấp nhận chịu hình thức xử phạt cao nhất.
Các biện pháp quản lý nhà nước "mạnh tay" theo ông Phạm Quang Viễn, nên được ráo riết thực hiện. Đó là: thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu), cấm cây xăng tự chế và bình gas tự tạo, chấm dứt sự tồn tại của xăng A83, tránh tình trạng trộn xăng để bán, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đề nghị rút giấy phép kinh doanh 80 cây xăng gian
Theo báo cáo Tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng xăng, dầu, gas của Bộ KH&CN, trong 4 tháng (từ tháng 4 - tháng 8/2008), lực lượng liên ngành đã thanh tra 4.441 cơ sở kinh doanh xăng, dầu, gas, phát hiện 797 cơ sở (chiếm 17,9% cơ sở được thanh tra) vi phạm, phạt tổng cộng 3 tỷ 818 triệu 530 ngàn đồng (có cơ sở chịu mức phạt 40 triệu đồng).
Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng đã "điểm mặt" nhiều thủ đoạn gian lận: thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo, làm sai số phương tiện đo, không kiểm định phương tiện đo, vi phạm về chất lượng xăng dầu (trộn xăng A83, bán giá xăng A92, A95) hoặc ghi sai nhãn.
Trong lĩnh vực kinh doanh gas, chủ yếu phát hiện hành vi đong thiếu, không kiểm định bình gas, sang chiết trái phép, không an toàn, dùng bình gas của các DN có thương hiệu để bán gas thiếu, gas kém chất lượng (thậm chí trộn nước), lưu hành bình ga nguy hiểm (méo, gỉ, không kiểm định hoặc đã quá hạn kiểm định). Có DN còn nhập khẩu bình gas cũ từ nước ngoài, "rất có thể là những quả bom nguy hiểm".
Bộ KH&CN đang đề nghị Bộ Công thương tiếp tục thu hồi giấy phép kinh doanh của 80 cây xăng (52 cây trong số này bắt buộc rút phép) do vi phạm nghiêm trọng (cố tình sử dụng IC được cài đặt sẵn hoặc lập bảng vi mạch điện tử gây sai số lượng xăng dầu bán ra). Trước đó, theo thông báo của ông Phạm Quang Viễn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cơ quan này đã xử lý 1.042 vụ gian lận kinh doanh xăng, dầu gas, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của gần 100 cơ sở.
PGS.TS Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN nhận định, đợt thanh tra chuyên đề 2008, với việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng, đã ngăn chặn kịp thời gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, gas; răn đe những cơ sở có ý định "móc túi" người mua, vì lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và môi trường kinh doanh xăng, dầu, gas lành mạnh. Bộ sẽ tiếp tục mở các cuộc thanh tra đo lường - chất lượng xăng, dầu, gas đột xuất, toàn diện và trên phạm vi toàn quốc.
(Vietnamnet)