Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 16/3 khi quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của FED chưa trấn an được tâm lý của thị trường.
Giá “vàng đen” giảm xuống dưới 30 USD/thùng trong phiên này mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/3.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 2,48 USD, tương đương 7,3%, xuống 31,37 USD/thùng mặc dù đã tăng 1 USD ở đầu phiên giao dịch ngày 16/3. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 30,08 USD/thùng, hạ 1,65 USD, tương đương 5,2% so với phiên trước đó.
FED ngày 15/3 thông báo cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra nhiều địa phương ở Mỹ. heo đó, lãi suất tham chiếu tại Mỹ giảm 1%, về quanh 0 - 0,25% - thấp nhất kể từ năm 2015.
Ngay sau quyết định của FED, Ngân hàng Dự trữ New Zealand nới lỏng mức thấp kỷ lục khi thị trường châu Á mở cửa giao dịch trong tuần này.
Cũng trong ngày 16/3, trong cuộc họp chính sách khẩn cấp, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các DN gặp vấn đề về thanh khoản. BoJ sẽ tăng gấp đôi khối lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mua vào mỗi năm lên mức 12.000 tỷ yen (khoảng hơn 112 tỷ USD) và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) lên 180 tỷ yen/năm (khoảng gần 1,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, với thị trường tài chính cũng như hàng hóa, những gì mà FED và các ngân hàng trung ương khác đưa ra dường như vẫn không thể lấn át được tâm lý bi quan rằng nền kinh tế có nguy cơ suy thoái do sự bùng phát mạnh của virus SARS-CoV-2.
Chiến lược gia hàng hóa Hussein Saye của FXTM cho biết: "Điều hiển nhiên là các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang sử dụng tất cả các công cụ có sẵn của họ để ngăn chặn khủng hoảng, nhưng dường như nỗi lo sợ về đại dịch đang kiểm soát các nhà đầu tư".
Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ chịu áp lực lao dốc trong phiên đầu tuần khi số liệu kinh tế kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo số liệu công bố ngày 16/3, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 1 và 2 giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1/1990, khi ghi nhận mức giảm 21,1%, đồng thời đi ngược lại xu hướng tăng 6,9% trong tháng 12/2019 và mức tăng 5,7% trong cả năm 2019.
Cục Thống kê Trung Quốc nêu rõ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích ING Warren Patterson, đà lao dốc của giá dầu Brent trong phiên này do thị trường gia tăng lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 tại châu Âu.
Thị trường tài chính cũng chao đảo trong phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường châu Âu trở nên hỗn loạn vì dịch Covid-19 khi Italia cho phong tỏa 60 triệu dân, Tây Ban Nha và Pháp ban bố lệnh phỏng tỏa hôm 14/3 và Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Thị trường năng lượng cũng chịu áp lực mạnh mẽ về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới thông báo tăng mạnh sản lượng từ tháng 4 và giảm giá bán để tăng doanh số xuất khẩu sang châu Á và châu Âu.
Trong cuộc họp chính sách hồi đầu tháng này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, không nhất trí về thực hiện tiếp thỏa thuận cắt giảm sản lượng, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3, nhằm mục đích cân bằng nguồn cung và hỗ trợ giá dầu.
Mặc dù giá dầu và khí đốt giảm mạnh vào tuần trước, số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng trong tuần thứ hai liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn