Liên minh châu Âu sẽ thực hiện động thái đầu tiên với tư cách là một nhóm người mua trên thị trường khí đốt quốc tế vào tháng tới khi tổ chức buổi đấu thầu đầu tiên cho các nhà cung cấp.
Cuộc đấu thầu diễn ra sau nhiều tháng thảo luận về cách tốt nhất để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên cho khối 27 thành viên nhằm tránh một số quốc gia thành viên trả giá cao hơn các quốc gia thành viên khác vì hầu bao rủng rỉnh hơn.
Giải pháp đã được tìm thấy là thành lập một liên minh người mua khí đốt. Theo Bloomberg, những đề nghị đầu tiên, từ các nhà cung cấp khí đốt ở Hoa Kỳ, Trung Đông và Châu Phi sẽ được ký vào tháng Sáu.
Giá sẽ là điểm mấu chốt trong hoạt động mua chung đó. Một trong những mục đích của toàn bộ nỗ lực là nhằm giữ giá khí đốt ở mức thấp bằng cách mua với khối lượng lớn hơn. Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên hiện đang thấp hơn rất nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên, EU cần mua nhiều khí đốt và việc mua khối lượng lớn như vậy rất có thể đẩy giá lên cao hơn.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic, tổng nhu cầu khí đốt của EU cộng với 4 quốc gia láng giềng lên tới 24 tỷ mét khối trong 3 năm tới. Đây là lượng khí đốt rất lớn trên thị trường giao ngay toàn cầu.
“Rõ ràng chúng ta cần phải xoay chuyển tình thế kinh tế ở châu Âu,” Sefcovic nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi tin rằng chúng tôi đang tạo ra một hệ thống mới mà sẽ tăng cường sự cạnh tranh và thu hút các nhà cung cấp mới và kéo giá năng lượng xuống. Kể từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động này, đã có sự quan tâm lớn đến từ các nhà cung cấp quốc tế.”
Theo ông, khoảng 50 nhà cung cấp khí đốt đã bày tỏ mong muốn tham gia mua khí đốt chung của EU. Sefcovic cũng cho biết cũng có sự quan tâm đến việc mua chung từ những quốc gia tiêu thụ khí đốt công nghiệp lớn ở EU.
Tuy nhiên, giá cả vẫn có tầm quan trọng quyết định. Ví dụ, châu Âu đã trả nhiều tiền hơn cho khí đốt của mình so với Mỹ và Trung Quốc, theo Sefcovic. Điều này cần phải thay đổi nếu khối muốn duy trì tính cạnh tranh trên trường thế giới.
“Điều ngày càng quan trọng là chúng ta phải đối phó với giá cả. Chúng tôi không thể cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của mình với mức chênh lệch giá lớn như vậy so với Mỹ hoặc Trung Quốc”, quan chức này nói với Bloomberg.
Nguồn tin: xangdau.net