Liên minh châu Âu cho rằng các hành động khí hậu hiện tại từ các quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là không đủ và sẽ kêu gọi các nước tăng cường cam kết giảm phát thải trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 11 năm nay, Reuters đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn một tài liệu dự thảo mà hãng đã thấy.
Tất cả các thành viên của EU gộp lại đại diện cho khu vực gây ô nhiễm lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. EU có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% xuống dưới mức của năm 1990 vào năm 2030 và trở nên trung hòa cacbon vào năm 2050.
Trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27 diễn ra ở Sharm El Sheikh, Ai Cập vào tháng 11 này, EU cho biết trong tài liệu dự thảo rằng “hành động khí hậu toàn cầu vẫn chưa đủ”.
Nhiều nước phát triển đã cam kết trở thành nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050, nhưng các quốc gia gây ô nhiễm lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, lại đặt mục tiêu không phát thải lần lượt vào năm 2060 và 2070.
“EU kêu gọi tất cả các Bên đưa ra các mục tiêu và chính sách đầy tham vọng, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế lớn cụ thể mà chưa thực hiện được điều này xem xét lại hoặc củng cố các mục tiêu”, EU cho biết trong tài liệu này.
Trong khi gần 200 quốc gia dự kiến sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu và hành động khí hậu vào tháng 11 này, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra đúng vào thời điểm bắt đầu mùa sưởi ấm ở Bắc bán cầu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và lượng khí đốt tự nhiên sẵn có ở châu Âu và châu Á thấp, vốn đã buộc các công ty điện và các ngành công nghiệp chuyển sang sản xuất điện từ dầu và than để có thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow năm ngoái, toàn thế giới đã không thống nhất được cam kết loại bỏ than, và tuyên bố cuối cùng đã giảm bớt cam kết thành “cắt giảm dần” than. Trong hội nghị thượng đỉnh, các nước kém phát triển nhất trên thế giới cho biết mối quan tâm của họ không được các nền kinh tế phát triển lắng nghe và kêu gọi hỗ trợ cho các nước nghèo. Nhóm các nước kém phát triển nhất tại các cuộc đàm phán về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết nhóm các quốc gia này “chịu tác động nhiều nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu mặc dù góp phần ít nhất vào cuộc khủng hoảng đó- đang lo lắng về tiến bộ thực sự sẽ chứng kiến lượng khí thải giảm một nửa vào năm 2030 và nguồn tài trợ cho khí hậu được mở rộng để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển”.
Trong tài liệu dự thảo của mình, EU hiện cho biết họ ủng hộ các cuộc đàm phán về "các thỏa thuận tài trợ" nhưng đã ngừng hỗ trợ một quỹ, theo Reuters.
Nguồn tin: xangdau.net