Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

EU hướng tới Bắc Cực để bảo đảm an ninh năng lượng

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thể hiện tham vọng của mình đối với nguồn dầu khí tại Bắc Cực khi lần đầu tiên tuyên bố rằng nguồn tài nguyên tại khu vực này có thể làm giảm những lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu trong tương lai.

Trong một báo cáo được đánh giá là "bước đi đầu tiên hướng tới chính sách Bắc Cực của EU" công bố ngày 20/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã khẳng định những lợi ích của EU đối với nguồn năng lượng, hải sản, các tuyến đường biển, những lo ngại về an ninh và các mối nguy hại với môi trường tại Bắc Cực. Báo cáo nói rằng: "Các nguồn tài nguyên tại Bắc Cực có thể góp phẩn bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng và các nguồn nguyên liệu thô nói chung cho châu Âu".

EU có lợi ích trực tiếp tại Bắc Cực vì 3 trong số 27 nước thành viên là Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển có đường biên tiếp giáp Bắc Cực. Vì thế, EU muốn đóng một vai trò "quan sát viên" tại Ủy ban Bắc Cực để có thể tăng cường lợi ích của mình tại đây. EC đề xuất rằng EU cần phải hợp tác dài hạn với các nước khác có cùng lợi ích tại Bắc Cực, đặc biệt là Na Uy và Nga bởi việc khai thác tại khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và đòi hỏi nguồn đầu tư tốn kém vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như những nguy cơ về môi trường.

Trong tuyên bố, EU cũng kêu gọi các nước tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe nhất về môi trường khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này nhằm bảo vệ mọi quyền lợi của người dân bản địa. Cao ủy phụ trách về vấn đề biển của EU Joe Borg nhấn mạnh rằng EU không thể "dửng dưng" trước những bước tiếp cận đáng báo động tại Bắc Cực có ảnh hưởng tới khí hậu của khu vực này. Còn Benita Ferrero-Waldner, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, nói rằng mục tiêu là phải bảo đảm sự cân bằng giữa các mục tiêu ưu tiên về bảo vệ môi trường với việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này.

Theo báo cáo khảo sát địa chất của Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 22% các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của thế giới, trong đó nguồn khí đốt chiếm 30% và dầu mỏ chiếm 13%. Động thái của EU tiếp diễn các bước đi của các quốc gia có quyền lợi trong những năm qua cho thấy một cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng hiện rõ tại Bắc Cực khi mà băng tại đây đang tan nhanh do tình trạng ấm lên toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không được quản lý đúng cách, việc khai thác các nguồn tài nguyên này có thể hủy hoại toàn bộ khu vực này bởi nhiệt độ không khí hiện đang tăng nhanh gấp đôi nhiệt độ trung bình toàn cầu và băng tại đây đang tan với tốc độ nhanh.
 
(Thông tấn xã Việt Nam)

ĐỌC THÊM