Đức đang đàm phán về việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng với Qatar như một phần của kế hoạch tự loại bỏ khí đốt của Nga, mà nước này phụ thuộc rất nhiều. Các cuộc đàm phán, được cho là đã gặp bế tắc trong tuần này. Và điều này cũng có thể là thứ cản trở những người mua khí đốt khác của EU. Theo các nguồn tin giấu tên được Reuters dẫn lời, Đức và Qatar có những khác biệt nghiêm trọng về các vấn đề như thời hạn của hợp đồng và liệu Đức có thể bán lại khí đốt cho các nước châu Âu khác sau khi đã nhận được hay không.
Phía Qatar muốn có cam kết tối thiểu 20 năm từ Đức. Tuy nhiên, Đức dường như miễn cưỡng cho việc này. Điều này hầu như không gây ngạc nhiên vì chính phủ Đức là một liên minh có sự hiện diện mạnh mẽ của đảng Xanh.
Dưới thời chính phủ này, nền kinh tế lớn nhất của EU đã tăng cường kế hoạch chuyển đổi năng lượng tái tạo và các cam kết nhập khẩu khí đốt kéo dài hơn 20 năm khó có thể phù hợp với các cử tri đã đưa chính phủ đó lên nắm quyền. Ngoài ra, Đức muốn cắt giảm 88% lượng khí thải vào năm 2040, điều này khó có thể thực hiện được nếu tiếp tục nhập khẩu khí đốt ở quy mô hiện tại.
Mặt khác, Qatar muốn có các cam kết dài hạn tương tự mà mọi nhà xuất khẩu lớn đang tìm kiếm, bao gồm các nhà sản xuất LNG của Mỹ. Do sự khác biệt giữa lợi ích của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu khí đốt, các kế hoạch thay thế của EU có thể khó biến thành hiện thực hơn như đã kỳ vọng.
Thoạt nhìn, như Brussels và một số chính phủ châu Âu đã trình bày, việc thay thế khí đốt của Nga sẽ tương đối dễ dàng. Các nhà nhập khẩu sẽ chỉ cần chuyển từ nhập khẩu bằng đường ống sang nhập khẩu LNG thông qua các trạm hiện có và trạm mới chưa được xây dựng, nhiều trong số đó là trạm nổi vì đưa vào vận hành nhanh hơn.
Chẳng hạn như Đức đã đảm bảo bốn trạm LNG nổi sẽ được lắp đặt tại các cảng của mình. Chỉ một trong số này sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay, với công suất xử lý 5 tỷ mét khối mỗi năm, đây không phải là quá nhiều đối với một quốc gia có quy mô như Đức, nhưng các nhà chức trách dường như rất hào hứng về việc thay thế khí đốt.
Tiếp theo, Đức sẽ cần mua được LNG, và đây là lúc các cuộc đàm phán với Qatar khiến tình hình trở nên đáng lo ngại. Thị trường khí đốt toàn cầu, cho đến rất gần đây, là thị trường của người mua. Nhưng nó chuyển sang thị trường người bán nhanh chóng đến mức có thể một số người mua không nhận thấy điều đó đang xảy ra.
Hiện tại, Qatar, Mỹ và Australia là những nước chọn bán LNG của họ cho ai. Điều này có nghĩa là trừ khi Đức đưa ra cam kết lâu dài, Qatar có thể khá dễ dàng từ chối bán LNG cho nước này. Có hàng chục khách hàng khác mong muốn mua được nhiên liệu cho mùa đông năm sau và cả hai mươi năm tới.
Điều khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với Đức và EU với vai trò là người mua LNG là các nhà sản xuất Hoa Kỳ có nhiều khả năng nhất quyết thực hiện các cam kết dài hạn tương tự. Lý do: Các nhà sản xuất Hoa Kỳ cần tăng thêm công suất LNG để có thể cung cấp nhiều khí siêu lạnh như EU cần nếu họ từ bỏ khí đốt của Nga.
Để tăng công suất này, các công ty ày cần các khoản vay. Các ngân hàng sẽ chỉ cung cấp các khoản vay này nếu có các cam kết dài hạn từ người mua nhằm đảm bảo tính khả thi về mặt thương mại của các dự án này. Không ngân hàng nào sẽ cung cấp vài tỷ đôla để xây dựng một cơ sở LNG mới mà không có sự đảm bảo như vậy. Nó thực sự đơn giản như vậy - và cũng là thách thức đối với EU.
Nói rằng Liên minh châu Âu đã tự đặt mình vào một tình thế khó khăn sẽ là một cách nói giảm nói tránh. Liên minh châu Âu, khá giống như chính quyền Biden, đang ở trong tình thế khó khăn khi cố gắng dung hòa hai đường lối chính sách: an ninh năng lượng thông qua nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo và thứ đánh đổi là các loại nhiên liệu hóa thạch này.
Một mặt, EU muốn cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon của mình trong vài thập kỷ tới. Mặt khác, họ lại muốn có nguồn điện đáng tin cậy, giá cả phải chăng vào lúc này. Trong khi các nhà xuất khẩu LNG sẽ làm rõ rằng nó không hoạt động như vậy. Nếu các nhà sản xuất cam kết mở rộng công suất - Qatar đã sẵn sàng - thì họ sẽ cần sự đảm bảo cho nhu cầu dài hạn đối với sản phẩm của mình.
Người bán cũng cần đảm bảo rằng người mua sẽ không bán lại sản phẩm của họ, như điều kiện của Qatar đề xuất rằng nếu Đức mua LNG của mình, thì nước này sẽ là nước duy nhất sử dụng sản phẩm đó. Điều này đi ngược lại với ý tưởng của EU khi yêu cầu các quốc gia thành viên có quyền tiếp cận khí đốt chia sẻ nó với những thành viên kém may mắn hơn trong liên minh. Có vẻ như Đức và EU sẽ phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình để đảm bảo nguồn năng lượng mà họ rất cần đến.
Nguồn tin: xangdau.net