Theo lộ trình Bộ Công thương công bố, từ ngày 1-1-2018, xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng A92 trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay lộ trình này nếu có triển khai cũng sẽ sớm phá sản nếu không có một giải pháp căn cơ! Bởi sau thời gian thí điểm bán đại trà loại xăng này, tại các tỉnh, thành phố, hàng loạt cửa hàng đã ngưng bán, dừng đầu tư thêm trụ bơm...
Người dân thường đổ xăng RON95 hoặc RON92 mà không quan tâm đến xăng E5. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tiêu thụ chậm, hao hụt cao
Tại cửa hàng xăng dầu Thạnh Lộc, trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM) những ngày này vẫn còn treo tấm băng rôn khá lớn, tuyên truyền, vận động người tiêu dùng hưởng ứng sử dụng xăng E5, dù đã rách tươm. Thế nhưng, phía bên dưới tấm băng rôn này, trụ bơm bán xăng E5 đặt cách đây hơn 1 năm, đã được thay bằng trụ bán loại xăng dầu truyền thống (A92, A95). “Hướng ứng lộ trình của Chính phủ, cuối năm 2015 cửa hàng chúng tôi có đặt trụ để bán xăng E5 nhưng khách hàng ngày càng vắng nên không bán nũa. Lúc đầu, mỗi ngày có vài ba khách hàng ghé đổ, kể cả những chủ cửa hàng sửa xe gần đây cũng mang bình ghé mua về dùng thử. Nhưng sau đó họ ghé thưa dần và dừng mua hẳn với lý do xăng này sử dụng hao và chất lượng không phù hợp sử dụng cho một số loại xe”, một nhân viên bán hàng tại đây cho biết.
Tình cảnh ngưng bán hoặc bán cầm chừng và không đầu tư thêm trụ bơm nhằm đón đầu khi triển khai bán đại trà xăng E5 từ đầu năm 2018 theo lộ trình của Bộ Công thương vạch ra đang diễn ra ở hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM. Trong khi đó, báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống của Sở Công thương TPHCM cho thấy, trên địa bàn hiện có 240 cửa hàng có phân phối xăng sinh học E5, chiếm chưa tới phân nửa tổng số điểm bán xăng dầu. Sản lượng tiêu thụ bình quân của các điểm bán xăng trên là 8.053m3/tháng, chỉ chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn. Đáng chú ý, số điểm bán và sản lượng này đã giảm khá rõ rệt so với thống kê thực hiện trước đó, thời điểm tháng 10-2016. Cụ thể, tại thời điểm kể trên, số lượng điểm bán xăng E5 đã đạt con số 282, sản lượng tiêu thụ bình quân trên 8.300m3/tháng. Và xu hướng giảm sản lượng tiêu thụ thậm chí đã bắt đầu từ trước đó khi sản lượng tiêu thụ bình quân ở thời điểm tháng 10-2016 đã giảm tới hơn 23% so với tháng 6-2016 (mức 10.854m3/tháng, chiếm 8,3% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của toàn TP) dù có ít điểm bán hơn, mới 279 điểm. “Các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 báo cáo có doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95; sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao (do thẩm thấu) và chiết khấu không hấp dẫn. Lợi nhuận doanh nghiệp không đảm bảo. Đây là những lý do đã có một số doanh nghiệp đề nghị Sở Công thương cho tạm ngưng kinh doanh xăng E5”, đại diện Sở Công thương TPHCM lý giải.
Nâng chất, tạo khoảng cách giá
Trước thực trạng trên, Sở Công thương TPHCM cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng sinh học E5 bắt đầu từ đầu năm 2018 mà Bộ Công thương đề ra, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần quan tâm nguồn cung ethanol. Bởi nếu nguồn cung này không ổn định, chi phí sản xuất cao sẽ đẩy giá thành xăng sinh học E5 tăng. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 cũng như tăng chiết khấu hoa hồng, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp phân phối. Đồng quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, hiện nay lượng xăng E5 bán ra chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với xăng truyền thống. Trong khi đó, mức chênh lệch giá giữa xăng E5 với A92 thấp khiến người tiêu dùng không mặn mà sử dụng xăng E5. Do đó, việc đầu tiên phải nới rộng khoảng cách chênh lệch giá giữa các loại xăng với nhau đủ để khuyến khích người dân hưởng ứng sử dụng. Ngoài ra, phải quy hoạch lại vùng nguyên phụ liệu, tạo sức cạnh tranh và xây dựng được chính sách hỗ trợ hợp lý, doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi mới đầu tư, kinh doanh được. Thậm chí, Chính phủ nên khuyến khích các Tập đoàn lớn nhập cuộc kinh doanh xăng E5 với lợi ích bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho biết, để đầu tư một trạm phối trộn có chi phí khoảng 20 tỷ đồng và mất khoảng 9 tháng mới hoàn thiện. Do đó, họ rất cần hỗ trợ về vốn lẫn chính sách.
Trong báo cáo trình Chính phủ về lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5, Bộ Công thương khẳng định từ ngày 1-1-2018, xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng A92 trên cả nước. Để bảo đảm lộ trình, bộ đã họp bàn và chỉ đạo triển khai tại hai doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ nhiều vốn nhất là PV Oil và Petrolimex. Bộ này khẳng định, đối với giá xăng E5 hiện ở mức thấp hơn xăng A92, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 cũng thấp hơn so với xăng A92. Về lâu dài, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét xây dựng thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý cho mặt hàng xăng E5 và tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng A92 đủ lớn. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu sản xuất ethanol cần có năng suất, sản lượng cao, giá bán hợp lý, tạo điều kiện cho giá xăng E5 được giảm thấp hơn.
Nguồn tin: Sggp.org.vn