Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được đưa ra bàn bạc và đề nghị nếu tiếp tục duy trì cần phải công khai, minh bạch trong điều hành, sử dụng.
Báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì: Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở…
Đại biểu Tạ Văn Hạ.
Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tham gia ý kiến thảo luận, đai biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nên giao nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên nhà nước doanh nghiệp và nhân dân.
Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu cho rằng đề quản lý nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.
Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp