|
Những công việc cuối cùng trên công trường đang được các công nhân gấp rút hoàn tất để đón chào dòng dầu đầu tiên vào ngày 22/2 tới. Ảnh: Việt Lâm. |
Đây được xem là một sự kiện quan trọng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, tạo nên một bước ngoặt lớn cho một quốc gia có trữ lượng dầu thô hàng đầu ở khu vực Đông Á, nhưng vẫn phải nhập khẩu 100% các sản phẩm xăng dầu trong suốt hàng chục năm qua.
Thế nhưng, để có được những sản phẩm xăng dầu “made in Viet Nam” đầu tiên này, thì ẩn đằng sau đó là vô vàn những vấn đề phức tạp xen lẫn khó khăn thách thức và những nỗ lực không biết mệt mỏi của hàng vạn công nhân cũng như trăn trở ngày đêm của những vị lãnh đạo cao nhất Chính phủ trên công trường trọng điểm quốc gia.
Từ những quyết tâm…
Vào những năm cuối thập niên 70, sau khi kế hoạch triển khai hai dự án lọc hóa dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Thành (Đồng Nai) thất bại, Chính phủ đã quyết tâm phải tiếp tục xây dựng cho được một nhà máy lọc đầu tiên.
Địa điểm xây dựng được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, lựa chọn. Sau đó, một loạt địa điểm được các chuyên gia đưa ra, trong đó có Nghi Sơn (Thanh Hoá), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Văn Phong (Khánh Hoà) và Long Sơn (Vũng Tàu)…
Một ngày cuối tháng 9/1994, ông Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Thủ tướng đương nhiệm đã đích thân thị sát khu vực vịnh Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi xem xét những kết quả khảo sát khoa học thu được và quy hoạch sơ bộ, Thủ tướng đã ký Quyết định số 658/QĐ-TTg, chính thức chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên.
Tuy nhiên, việc lựa chọn Dung Quất làm địa điểm xây nhà máy lọc dầu ngay sau đó cũng đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối, thậm chí đã trở thành vấn đề “nóng” trên diễn đàn của nhiều kỳ họp Quốc hội liên tiếp.
Thế nhưng, với những phản biện thuyết phục về hiệu quả kinh tế - xã hội, cuối cùng Dung Quất cũng đã được ấn định là địa điểm của nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.
Chọn được địa điểm mới chỉ là bước đầu tiên trong một núi khổng lồ công việc của một dự án lọc dầu. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 năm (từ 1997 -2003), hình thức đầu tư của dự án đã phải liên tục thay đổi.
Từ hình thức liên doanh đến tự đầu tư, rồi tự đầu tư lại sang liên doanh, và cuối cùng Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đảm nhận với hình thức tự đầu tư.
... đến một Dung Quất hiện thực
Ngày 8/1/1998, những nhát búa cọc nhồi đầu tiên đã được vang lên tại khu kinh tế Dung Quất, mở đầu cho một dự án lọc hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi dự án chính thức được triển khai thì cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á những năm 1997 - 1998 diễn ra nhanh trên diện rộng với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của một số nước trong khu vực.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này, kết hợp với những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, khiến dự án gần như bị "đóng băng" trong vài năm trời.
Trong thời gian này, chủ đề nhà máy lọc dầu Dung Quất lại một lần nữa trở thành vấn đề “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tiếp tục xây dựng nhà máy tại Dung Quất thì Chính phủ nên chọn một địa điểm khác hợp lý và hiệu quả hơn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục đầu tư tại đó… Cuộc tranh luận này đã cũng đã làm “bạc đầu” của không ít thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, thêm một lần phản biện thành công, cộng với những lời hứa quyết liệt từ phía chủ đầu tư, ngày 28/11/2005, những tiếng búa cọc nhồi lại tiếp tục được vang lên trên công trường, cùng với đó là một chiếc đồng hồ đếm ngược cũng được đặt ngay trước cổng nhà máy với mốc thời gian được ấn định là ngày 25/2/2009.
Hơn 1,2 vạn kỹ sư, công nhân cùng bắt tay vào cuộc đua 1.320 ngày đêm trên công trường…
Công cụ bình ổn giá xăng dầu
Tọa lạc trên diện tích khoảng 800 ha, trong đó mặt đất khoảng 338 ha và mặt biển khoảng 471 ha, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, do Petro Vietnam làm chủ đầu tư.
Khi đi vào hoạt động, dự kiến nhà máy sẽ có công suất chế biến khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 33% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Nguyên liệu của giai đoạn 1 sẽ là 100% dầu thô Bạch Hổ (Việt Nam), còn giai đoạn 2 sẽ sử dụng dầu thô hỗn hợp (85% dầu thô Bạch Hổ + 15% dầu chua Dubai).
Thế nhưng, cùng với những kỳ vọng sau hàng chục năm của Chính phủ và người dân là vô số những câu hỏi được đặt ra khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Liệu trong thời gian tới, giá xăng dầu do mình tự sản xuất có rẻ hơn giá nhập khẩu, đơn vị nào sẽ đứng ra phân phối, vấn đề thuế đối với những sản phẩm này sẽ như thế nào, quyền lợi của người dân sẽ được hưởng đến đâu…?
Giải đáp những thắc mắc này, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết: do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không đảm bảo đủ 100% nhu cầu nội địa nên giá các loại sản phẩm do nhà máy cung cấp về cơ bản sẽ tương đương giá nhập khẩu của các công ty xăng dầu đầu mối ở cùng thời điểm. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất của thị trường, tránh xáo trộn.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, với những quy định của Chính phủ, cơ chế giá xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà sẽ là bán thị trường, tức là nhà nước có quyền can thiệp để điều tiết. Chẳng hạn khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Nhà nước có thể sử dụng xăng dầu dự trữ tại Dung Quất, giảm giá bán tại đây để điều hòa giá trong một thời gian nhất định.
Ông Thắng nói, điều này cũng đồng nghĩa với việc, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ là một nhân tố bình ổn giá xăng dầu quan trọng trong thời gian tới.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, doanh thu hằng năm của nhà máy sẽ vào khoảng 55.000 tỷ đồng, trong đó riêng sản phẩm xăng chiếm khoảng 19.000 tỷ đồng, dầu diesel ôtô chiếm khoảng 26.000 tỷ đồng (chưa kể đến doanh số của nhà máy sản xuất polypropylene). Với doanh thu đó, trước mắt Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu của quốc gia.
Ngoài ra, với việc tự cung ứng gần 6,3 triệu tấn sản phẩm/năm, chúng ta sẽ có khả năng giảm bớt áp lực về giá khi thị trường quốc tế giảm nguồn cung do tổng khối lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam giảm.
Do sản lượng khai thác của mỏ Bạch Hổ đang giảm dần nên hiện nay Petro Vietnam đang chỉ đạo các đơn vị thành viên làm việc với các đối tác để tìm các nguồn dầu thô trên thế giới có chất lượng tương đương thay thế dầu Bạch Hổ, sẵn sàng tiếp ứng trong trường hợp sản lượng dầu Bạch Hổ không đáp ứng đủ công suất chế biến cho nhà máy.
Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đưa vào vận hành sản xuất sản phẩm đầu tiên vào ngày 22/2/2009, sớm hơn ba ngày so với tiến độ đặt ra, với công suất khoảng 50% công suất thiết kế. Đến tháng 8 năm nay, nhà máy sẽ vận hành 100% công suất thiết kế. Theo tính toán, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được khấu hao trong khoảng 10 năm.
Với công suất 100%, mỗi tháng nhà máy sẽ cho ra gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diesel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu FO (khoảng 25.000 tấn). Với tiến độ vận hành thử hiện nay, tính riêng năm 2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất được khoảng 2,7 triệu tấn sản phẩm các loại.
Đối với việc phân phối các sản phẩm của nhà máy, ông Thắng cho biết, trong giai đoạn đầu vận hành thử, do sản lượng của nhà máy chưa ổn định nên Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn chưa thể ký hợp đồng cố định bao tiêu sản phẩm với nhiều nhà phân phối.
Trước mắt, Petro Vietnam đã giao nhiệm vụ cho tổng công ty dầu của tập đoàn sẽ đảm nhiệm việc phân phối, bao tiêu các sản phẩm đầu tiên của nhà máy với mục tiêu tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng, đảm bảo an toàn cho quy trình chạy thử.
Riêng sản phẩm khí propylene, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn đã ký hợp đồng với Công ty Marubeni (Nhật Bản) phân phối, xuất khẩu ra nước ngoài trong thời gian nhà máy polypropylene tại Dung Quất chưa hoạt động.
“Sau khi nhà máy đi vào sản xuất ổn định, việc phân phối sản phẩm sẽ được thực hiện theo thông lệ bằng hình thức đấu giá cạnh tranh cho tất cả các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh các sản phẩm xăng, dầu”, ông Thắng cho biết.
Hôm nay, đồng hồ đếm ngược trước cổng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang tiến dần đến những thời khắc cuối cùng.
(vnEconomy)