Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dung Quất - dòng dầu đã chảy

“Biển thật xanh, muối thật trắng, cát thật vàng và con người nơi đây thật hiền hậu”. Đó là hình ảnh Dung Quất (người dân thường gọi là Vũng Quýt, nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi) gần một thế kỷ trước trong ký ức về quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Và hôm nay, chỉ còn ít ngày nữa tại đây mẻ dầu đầu tiên của VN sẽ tuôn trào.
 
Có thật nhiều những câu chuyện của một cuộc hành trình chuyển mình từ làng chài Vũng Quýt nghèo nàn duyên hải Quảng Ngãi, đến Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất hiện đại vào loại hàng đầu khu vực Đông Nam Á hôm nay.
 
Kỳ 1: Nỗ lực đánh thức “công chúa”
 
Gần đến ngày Dung Quất cho ra mẻ dầu đầu tiên, trò chuyện với Tuổi Trẻ, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Kim Hiệu luôn nhắc đến một người “mặc dù không sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng đã có công khai sinh Nhà máy lọc dầu Dung Quất”. Đó là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát Dung Quất tháng 9-1994 - Ảnh tư liệu

“Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất”
 
Ông Kiệt là người luôn ý thức nhận lãnh phần trách nhiệm cụ thể về công việc của bản thân mình, khi chịu trách nhiệm là Thủ tướng Chính phủ của nhiệm kỳ phải giải quyết về chủ trương và địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Năm 2005, vào lúc vấn đề Dung Quất trở thành điểm nóng trên nghị trường, ông Kiệt đã có thư gửi Quốc hội khẳng định: “Là người trước đây từng chịu trách nhiệm chính về chủ trương xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho đến nay nếu được xem xét lại tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu”.
 
Những người dân nghèo khó ở Vũng Quýt có thể không biết đâu thật sự là điểm khởi đầu của những “nhận định ban đầu” đó, nhưng theo lời kể của ông Hiệu, nhiều người trong số họ còn nhớ chuyến thị sát đầy kỷ niệm tại Dung Quất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 19-9-1994. Ngồi trên tàu của bộ đội biên phòng ra vịnh Dung Quất, đi qua mũi Co Co, nhìn toàn cảnh mây nước hữu tình, ông Kiệt nói với những người trong đoàn thị sát: “Dung Quất đẹp quá, như một nàng công chúa đang ngủ”. Ông Hiệu nhớ lại: “Câu nói đó của Thủ tướng làm chúng tôi rất phấn chấn. Sau này, khi đã có quyết định chính thức đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, chúng tôi thường bảo nhau Thủ tướng như một chàng hoàng tử đến đánh thức nàng công chúa đã ngủ yên hàng nghìn năm”.
 
Cũng như ông Hiệu, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đều nhắc đến công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tình cảm trân trọng nhất. Thật ra không chỉ với Dung Quất, nhìn vào quá trình phát triển của công nghiệp dầu khí Việt Nam, người ta còn nhận thấy nhiều dấu ấn quan trọng khác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong đó phải kể đến việc tách Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khỏi Bộ Công nghiệp nặng và trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, trở thành Tổng công ty Dầu khí quốc gia với tên giao dịch quốc tế là PetroVietnam vào tháng 5-1992.
 
“Trong bối cảnh đất nước những năm đầu đổi mới còn nhiều bỡ ngỡ, việc tách Tổng công ty Dầu khí ra khỏi Bộ Công nghiệp nặng, trực thuộc Chính phủ là một quyết định mang đậm chất Võ Văn Kiệt dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Đinh La Thăng (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nhớ lại một cột mốc lịch sử của ngành dầu khí như vậy.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo dõi tình hình triển khai dự án cảng nước sâu Dung Quất - Ảnh tư liệu

Đòn bẩy cho khúc ruột miền Trung
 
Những ai từng đến vịnh Dung Quất sẽ không thể phủ nhận vẻ đẹp trời biển nơi đây, nhưng cái đẹp không dễ dàng đồng hành với những số liệu kinh tế. Đã có những ý kiến phản biện rằng Dung Quất vừa nằm xa nguồn nguyên liệu lại xa thị trường tiêu thụ chủ yếu, do vậy việc đặt nhà máy ở đây sẽ làm tăng giá thành sản xuất.

Ngày 11-4-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghiệp Dung Quất. Quyết định nêu rõ: “Khu công nghiệp Dung Quất là khu công nghiệp lọc và hóa dầu đầu tiên của cả nước; là khu tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay quốc tế Chu Lai; là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng”. 

Không phải ngẫu nhiên mà thông tin đầu tiên nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói đến trong thư gửi Quốc hội là “về địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất”. Trong thư, ông cho hay “ban đầu có năm phương án đưa ra gồm: Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi), Hòn La (Quảng Bình) và Vân Phong (Khánh Hòa)”.
 
Sau đó, các phương án dần được loại để “tránh tập trung quá lớn những công trình trọng điểm quốc gia vào một khu vực”, hoặc vì “không có cảng nước sâu”, vì “nhiều lý do chưa thể thu xếp được”... Và Dung Quất được chọn với lý do: “Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt: có cảng nước sâu ở bên ngoài để dẫn dầu thô vào, có cảng trong vịnh để làm cảng phân phối.
 
Ở đây lại gần quốc lộ 1A và đường sắt thống nhất, tiếp đó là sân bay Chu Lai. Công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ cung cấp đủ nước ngọt... Như vậy rõ ràng Dung Quất có nhiều lợi thế để đặt nhà máy lọc dầu: nằm ở khu vực giữa Nam Trung bộ và Tây nguyên, vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của đất nước. Với sự cân nhắc lợi thế đó, Thường trực Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị và được sự nhất trí cao cho việc đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất”.
 
Khi được hỏi “Với độ lùi thời gian để nhìn lại quyết định về Dung Quất ngày đó, ông nghĩ sao?”, ông Nguyễn Kim Hiệu trả lời: “Về phần mình, với những thông tin có được, tôi nghĩ có thể nếu chấm điểm thì Dung Quất không phải là vị trí kinh tế nhất để đặt nhà máy lọc dầu, nhưng Dung Quất đang và sẽ là đòn bẩy cho khúc ruột miền Trung đi lên cùng cả nước. Đó là tầm nhìn Võ Văn Kiệt, cũng là tình cảm của ông đối với nhân dân miền Trung vốn đã chịu nhiều gian khổ, hi sinh”.
 
Cho đến những năm cuối đời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn dành sự quan tâm đến Dung Quất. Ngày 6-10-2007, ông Hiệu được tháp tùng nguyên Thủ tướng trong chuyến về thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ông Hiệu còn nhớ đứng trước vóc dáng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất lúc đó, nguyên Thủ tướng rất phấn khởi và nói rằng nếu mạnh dạn cương quyết hơn thì nhà máy đã ra đời sớm, nhưng có những yếu tố mà bản thân nguyên Thủ tướng cũng không lường trước được...
 
(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM