Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Hai dẫn lời các quan chức chính phủ Đức cho biết nước này muốn giới hạn giá điện và khí đốt tự nhiên để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chống chọi với giá năng lượng đang tăng cao.
Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, kế hoạch áp giá trần tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể trở thành chính thức trong những tuần tới nếu EU không đồng ý về giới hạn giá cho toàn khối.
Ở những nơi khác ở Châu Âu, chẳng hạn như ở Anh, có giới hạn giá cho hóa đơn năng lượng mà các nhà cung cấp năng lượng có thể tính phí cho khách hàng. Vương quốc Anh vừa mới công bố rằng sẽ giới hạn hóa đơn năng lượng hàng năm cho các hộ gia đình ở mức 2.700 đô la (2.500 bảng Anh) trong hai năm.
Không giống như giới hạn giá của Vương quốc Anh và một biện pháp tương tự được áp dụng ở Pháp, giới hạn giá ở Đức sẽ là áp thuế đối với các công ty sản xuất điện tính phí nhiều hơn một số tiền nhất định, mà vẫn chưa được xác định, các nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết. Số tiền thu được từ việc đánh thuế các nhà sản xuất sau đó sẽ được phân chia cho các công ty cung cấp năng lượng cho người dùng trực tiếp, điều này sẽ cho phép giảm bớt giá điện tới người dùng cuối cùng.
Nhiều ngành công nghiệp và công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Đức đã và đang cảm thấy rất khó khăn do giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao. Một số đã cắt giảm sản xuất hoặc ngừng toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhiều công ty khác cũng dự định làm như vậy.
Ngân hàng trung ương Đức cho biết trong báo cáo hàng tháng tuần trước, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái, điều này sẽ trầm trọng hơn khi chúng ta bước vào những tháng mùa đông trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt tự nhiên đang diễn ra.
Cũng trong tuần trước, chính phủ Đức, tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper và cổ đông lớn của Uniper, công ty Fortum có trụ sở tại Phần Lan, đã ký một thỏa thuận mà theo đó Đức sẽ quốc hữu hóa hãng nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước, một động thái nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các nhà cung cấp năng lượng và khí đốt của Đức.
Nguồn tin: xangdau.net