Đức đã khởi động giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp khí đốt gồm ba giai đoạn khi nước này chuẩn bị cho khả năng ngừng nhập khẩu hoàn toàn khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, được Reuters dẫn lời cho biết, người Đức cần bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng và đổ lỗi cho tình hình hiện tại lên Tổng thống Nga.
Lo ngại nguồn cung ở Đức đang cạn kiệt khi Gazprom chuẩn bị cho việc bảo trì định kỳ Nord Stream 1. Theo một bài báo của FT, Đức lo ngại rằng nhà nước Nga sẽ "lợi dụng" việc bảo trì để đình chỉ việc cung cấp khí đốt cho khách hàng lớn nhất ở châu Âu.
Nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 đã thấp hơn nhiều so với bình thường do sự chậm trễ trong việc lắp đặt một tuabin đã được Siemens Energy đưa sang Canada để sửa chữa, gần đây Canada đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga kể cả các dịch vụ, gây cản trở cho việc trả lại tuabin.
Chính phủ Đức đã bác bỏ lời giải thích này - được cả Gazprom và Siemens Energy đưa ra - nói rằng động cơ của việc giảm lưu lượng là chính trị.
Một quan chức chính phủ Đức giấu tên nói với FT rằng: “Tình hình nguồn cung đã đủ eo hẹp cho dù NS1 không bị đóng cửa”.
Thông thường, khi Gazprom tiến hành bảo trì đường ống Nord Stream 1, hãng sẽ chuyển nguồn cung cấp khí đốt sang các đường ống của Ukraine và Yamal-Europe, FT dẫn lời người đứng đầu liên minh kinh doanh của Đức BDI cho biết.
“Nhưng có một lo ngại rằng họ sẽ không làm điều đó trong năm nay,” Carsten Rolle nói với FT. “Gazprom đã cắt giảm 60% dòng chảy qua NS1 và không bù đắp thông qua việc gia tăng dòng chảy qua các đường ống khác.”
Do nguồn cung khí đốt thấp hơn, giá ở châu Âu một lần nữa lại tăng liên tục, với những lo ngại ngày càng lớn rằng mặc dù có khởi đầu tốt để lấp đầy đầy kho dự trữ nhưng kết thúc có thể chậm hơn nhiều trước mùa sưởi ấm tiếp theo.
Đối với Đức, tình hình đặc biệt nhạy cảm. Theo BDI, nền kinh tế Đức chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái nếu Nga ngắt hoàn toàn các van khí đốt.
Hiện tại, chính phủ đang kêu gọi bảo tồn năng lượng và xem xét lại việc sử dụng các nhà máy nhiệt điện than trong nước, giống như các nước khác ở châu Âu, chẳng hạn như Áo và Hà Lan. Tuy nhiên, Đức vẫn kiên quyết rằng năm cuối cùng mà nước này sản xuất nhiệt điện than sẽ là năm 2030.
Nguồn tin: xangdau.net