Chính phủ Nga công bố báo cáo dự báo xu hướng phát triển nền kinh tế nước này giai đoạn 2010-2012, trong đó, kịch bản phát triển kinh tế nước Nga thời gian tới dựa trên dự báo giá trung bình một thùng dầu thô ở mức 55 USD vào năm 2010; 56 USD vào năm 2011 và 57 USD vào năm 2012.
Trong giai đoạn này, Chính phủ Nga dự kiến sẽ khôi phục hệ thống tín dụng của nền kinh tế. Báo cáo đánh giá từ nay đến hết năm 2009, dự trữ sản xuất và xuất khẩu của Nga sẽ có xu hướng tăng trưởng trở lại so với thời điểm cuối năm 2008.
Theo kịch bản phát triển kinh tế được nêu trong báo cáo, tăng trưởng GDP của Nga sẽ là 1% năm 2010; 2,6% năm 2011 và 3,8% năm 2012. Thâm hụt ngân sách liên bang được dự báo là 6,5% GDP năm 2010 sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong các chương trình đầu tư của Tập đoàn năng lượng Gazpom và các tập đoàn năng lượng Nga. Chính phủ Nga khẳng định tiếp tục duy trì và thúc đẩy các dự án ưu tiên quan trọng như khai thác mỏ mới tại Y-a-man và Cam-chát-ca, đa dạng hóa các tuyến vận chuyển khí đốt, sản xuất khí hóa lỏng.
Theo ông Dmi-tri Áp-da-lốp, nghiên cứu viên chính của Trung tâm Cục diện chính trị Nga, báo cáo này cho thấy cũng như nhiều nền kinh tế khác, Nga lựa chọn mô hình hai giai đoạn để khắc phục khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn thứ nhất, được xác định đến cuối năm 2009, Chính phủ Nga sẽ tăng chi tiêu cho các chương trình chống khủng hoảng, bơm các khoản tín dụng thẳng vào nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và các chương trình mục tiêu quốc gia và cắt giảm ngân sách nhưng ở mức không đáng kể. Giai đoạn thứ hai diễn ra từ năm 2010, cùng với việc giảm dần các biện pháp chống khủng hoảng là sự cắt giảm các khoản chi của Chính phủ trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Nga sẽ gặp khó khăn nếu giá dầu đứng ở mức thấp, thị trường chứng khoán chưa hồi phục. Trong trường hợp này, Chính phủ Nga đưa ra phương án vay nợ quốc tế, có thể từ 10-60 tỷ USD hoặc nhiều hơn giai đoạn tiếp theo.
Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Nga có thể chám dứt suy giảm vào cuối năm 2009 và tăng trưởng dương năm 2010. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Nga quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP, có thể xảy ra tình trạng phá giá đồng Rúp và gia tăng lạm phát, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng của Tổng thống Mét-vê-đép về việc đưa đồng Rúp thành đồng tiền thanh toán khu vực, trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế đồng USD.
VINANET