Vốn xưa kia là nước nghèo bên bờ vịnh Péc-xích, Cô-oét trải qua nhiều thăng trầm bởi sự thống trị của nước ngoài. Từ năm 1950- khi phát hiện ra nguồn dầu mỏ quá lớn (gần 10% trữ lượng dầu thế giới)- Cô-oét giàu lên nhanh chóng. Sau chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991), mặc dù hầu hết cơ sở kinh tế bị phá hủy, song Cô-oét đã sớm hồi phục. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở đây khoảng 60.000USD.
Sau hơn một giờ bay qua không phận A-rập Xê-út, chiều 10-3, Đoàn đại biểu Chính phủ ta từ Ca-ta đã đến Cô-oét, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này. Đây là đất nước theo chế độ quân chủ, có nền kinh tế mở, có tiềm lực kinh tế-tài chính mạnh trong khu vực; từ lâu có thiện cảm và ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân ta. Năm 1976, Cô-oét là quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Tại Hội nghị cấp cao không liên kết họp tại Cô-lôm-bô (năm 1976), Cô-oét đã đề nghị các nước không liên kết lập qũy giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước… Năm 1979, khi Việt Nam còn gặp quá nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và bị bao vây cấm vận, thông qua “Quỹ Cô-oét phát triển kinh tế A-rập” Cô-oét đã cho Việt Nam vay hơn 100 triệu USD để giải quyết một phần khó khăn. Qũy đã viện trợ cho dự án Hồ Thủy lợi Dầu Tiếng tại tỉnh Tây Ninh. Công trình này trở thành biểu tượng đầu tiên của quan hệ hai nước. Đến nay, Quỹ Cô-oét đã cung cấp các khoản vay ưu đãi cho 7 dự án tại các vùng xa, vùng sâu ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Gặp nhau ở sự tăng cường hợp tác và phát triển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi động mô hình máy lọc dầu tại Trung tâm khoa học Cô-oét.
Những nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhà nước Cô-oét Na-xơ Mô-ham-mét An A-mét An Gia-bơ An Xa-ba nêu ra trong hội đàm tại Cung điện Bay-an ở Thủ đô Cô-oét (đêm 10-3 theo giờ Việt Nam) đã thể hiện sự gặp nhau trong ý tưởng: Thắt chặt quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Cô-oét trên nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư tài chính, năng lượng, nông nghiệp, thương mại và lao động. Thủ tướng Cô-oét đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm lần này của Thủ tướng nước ta, đồng thời khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu của Cô-oét trong chính sách hướng Đông.
Thủ tướng Gia-bơ An Xa-ba đánh giá cao Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang trong nỗ lực vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự giúp đỡ chân tình, hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Cô-oét dành cho Việt Nam trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh: Quan hệ hữu nghị hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cô-oét (năm 2007) đã và đang chuyển biến tích cực, đáp ứng mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Hai Thủ tướng đã cùng nhau trao đổi sâu rộng các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Thủ tướng Gia-bơ An Xa-ba cho rằng, ngoài lĩnh vực hợp tác dầu khí đang phát triển tích cực, Cô-oét sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại, nông nghiệp, lao động và đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn công tác nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng cục Đầu tư Cô-oét; Thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Trong cuộc hội kiến với Quốc vương Cô-oét Xa-ba An A-mát An Gia-bơ An Xa-ba tại Cung điện Bay-an, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định cam kết tăng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực đầu tư, năng lượng, thương mại, nông nghiệp và lao động giữa hai nước, đồng thời mong Quốc vương cùng Hoàng gia tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ để các dự án hợp tác kinh tế triển khai hiệu quả, thiết thực. Thủ tướng bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực lâu dài cho cả hai nước; khuyến khích Cô-oét tham gia vào các dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam và đề nghị bạn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác, phát triển dầu khí tại Cô-oét và Vùng Vịnh; sẵn sàng hợp tác với Cô-oét đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp tại Việt Nam hoặc một nước thứ ba (châu Phi); đề nghị Cô-oét tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa và lao động Việt Nam có chỗ đứng chân vững chắc tại thị trường Cô-oét và Vùng Vịnh; đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hoàng gia, Chính phủ và doanh nghiệp Cô-oét tham gia vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Nỗi trăn trở của Thủ tướng
Khi thăm nhà nước Cô-oét và các nước Vùng Vịnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ nỗi trăn trở với lãnh đạo các bộ, ngành và thành viên trong đoàn:
- Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta rất rõ ràng, sáng suốt; các cấp, các ngành và báo chí chúng ta nói rất đúng- thậm chí rất hay- về những quan điểm, đường lối ấy nhưng rất tiếc là chúng ta còn nói chung chung, không cụ thể, không thiết thực. Quan hệ với các đối tác quốc tế mà cứ mời chào họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các dịch vụ; có nhiều ưu đãi mà không nói rõ công trình dự án ra sao, giá thành, lợi nhuận thế nào thì làm sao họ hiểu, họ tin, họ mạnh dạn vào làm ăn? Tôi thực sự suy nghĩ khi trong tiệc chiêu đãi thân tình, nghe Thủ tướng Cô-oét nói: “Hai lần sang Việt Nam tôi thấy bay từ Hà Nội đến một thành phố phía Nam mất 2 giờ thì đất nước ngài dài quá. Cần phải xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam”.
Rõ ràng, tư duy làm ăn kinh tế của họ rất cụ thể. Mình muốn thu hút vốn ODA thì cần phải biết gợi ra nhu cầu, lợi thế để thu hút họ vào. Đến các nước Vùng Vịnh lần này, tôi thấy nước nào cũng ngổn ngang các công trình xây dựng, nhưng lao động Việt Nam ở đây lại rất vắng. Không thể chấp nhận được một thực tế là số công nhân Việt Nam làm việc ở Cô-oét và Ca-ta chỉ có vài nghìn người. Chúng ta tuyên truyền rằng các nước bạn rất cảm phục truyền thống văn hóa, lịch sử kháng chiến của đất nước Hồ Chí Minh và thiện chí với chúng ta, nhưng năm vừa qua chỉ có hơn 500 khách du lịch Cô-oét vào Việt Nam. Họ là dân giàu có, đi khắp thế giới mà sao đến nước ta ít như vậy?
Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cô-oét, có các thành viên trong Đoàn cùng dự, Thủ tướng nói chuyện quốc gia nhưng thân tình, gần gũi như người trong nhà:
- Chúng ta đang tập trung xây dựng đất nước giàu mạnh, dựa vào nội lực là chính song cần phải tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi vậy, trách nhiệm của các đại sứ quán không chỉ tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước mà còn phải chăm lo đến hoạt động kinh tế, thương mại. Đây là một nhiệm vụ quan trọng. Tôi nghĩ, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các đại sứ là xem lợi ích kinh tế cho đất nước chứ không phải số lần gặp gỡ, quan hệ ngoại giao… Hiện nay, riêng ngành chè chúng ta có thể xuất khẩu 100 nghìn tấn/năm, nhưng chưa có thị trường chắc chắn ở Trung Đông, trong khi các nước ở khu vực này có nhu cầu khá lớn… Hoa cũng vậy, chúng ta có nhiều tỉnh trồng hoa. Hoa ở khu vực này đang là nhu cầu… Về vấn đề lao động, tôi rất tiếc là anh chị em ta sang đây phần đông là tốt, song có một số người gây ra những tệ nạn xã hội, để bạn phải kêu ca… Đề nghị các đại sứ phải nắm chắc lực lượng lao động, tham gia giáo dục, giúp đỡ họ; khi có sự cố phải nêu cao trách nhiệm, cùng bạn xử lý đến nơi đến chốn…
Tôi nhớ hôm trước, nói chuyện với anh chị em lao động Việt Nam tại Đô-ha, Thủ tướng căn dặn: “Mỗi người hãy sống có kỷ luật, có tình nghĩa để giữ danh dự cho mình, cho anh chị em và cho đất nước!”. Những lời khuyên ấy cũng xuất phát từ những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ.
Hy vọng của các doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi công nhân Việt Nam tại Ca-ta.
Qua các Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức tại Cô-oét và Ca-ta, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp nước ta chưa có cơ hội tiếp thị và còn thiếu thông tin từ phía bạn nên khá băn khoăn, lo tính... nhưng vẫn rất hy vọng. Chị Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại, kinh doanh nhà ở-xây dựng cầu đường Phương Nam, và anh Võ Tấn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc-cáp điện Thịnh Phát, là những doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đều có nỗi băn khoăn giống nhau. Các anh chị đều cho rằng, việc tìm kiếm thị trường gần giống đi câu cá, còn có yếu tố hên xui, cơ duyên. Anh Võ Tấn Thịnh tâm sự: “Chúng tôi đi chuyến này để hiểu thêm các nước trong khu vực. Còn làm ăn như thế nào thì không dám nói trước. Hiện nay thị trường chứng khoán Cô-oét suy giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp của bạn đành “nằm im” chờ thời. Vì vậy bạn cũng cứ lắng nghe chứ không vồ vập ngay. Dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng ở đây có tiềm năng…”.
Bất ngờ nhất là chúng tôi gặp ba nhà doanh nghiệp lớn của một gia đình ở TP Hồ Chí Minh đi khảo sát thị trường Vùng Vịnh. Hỏi ra mới hay, các anh chị thuộc những doanh nghiệp khác nhau: Anh Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn); vợ anh, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn) và anh trai anh là Đặng Quang Hạnh (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Tạo). Anh Tâm cho rằng, chuyến đi này rất cần thiết, mặc dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nhưng phải đi trước một bước để tìm thị trường và xây dựng “nền móng”. Đến khi kinh tế bình lặng ta mới có cơ hội làm ăn, nếu không sẽ trở tay không kịp. Tôi biết các anh đã làm ăn với các nhà tài chính Cô-oét từ vài năm rồi. Còn anh Hạnh thì phát hiện giá đất ở Ca-ta có nơi thấp hơn Việt Nam. Đó là một cơ hội.
Phấn khởi hơn cả là các doanh nghiệp ở Thanh Hóa. Bên cạnh dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang triển khai xây dựng tại Tĩnh Gia (có phần đầu tư quan trọng của Cô-oét), còn mở ra triển vọng xây dựng trường đào tạo nghề quốc tế do Cô-oét tài trợ. Những người học nghề ở đây sẽ được tuyển dụng sang lao động tại Cô-oét. Việc mở trường dạy nghề được Thủ tướng khuyến khích thực hiện. Thủ tướng cho rằng đưa lao động phổ thông ra nước ngoài, vừa nhận lương thấp mà lại khó cạnh tranh với các nước khác. Cần phải đào tạo nghề để có những công nhân có tay nghề cao, có kỹ thuật tốt, đáp ứng yêu cầu của các nước bạn.
(Quân đội nhân dân)