Giá xăng dầu có thể được điều chỉnh tăng vào kỳ điều hành ngày 1/2 nếu không có can thiệp từ Quỹ bình ổn giá.
Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường Singapore tính đến 16/1, giá xăng A92 là 97,3 USD/thùng, xăng A95 là 100,2 USD/thùng, dầu diesel 116,3 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá gần nhất (xăng RON92 là 88,620 USD/thùng, xăng RON95 là 92,022 USD/thùng và 108,580 USD/thùng dầu diesel).
Tại thị trường thế giới phiên sáng nay, 30/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,72 USD/thùng, tương ứng 0,90% lên mức 80,40 USD/thùng; dầu WTI tăng 0,79 USD/thùng, tương ứng 0,91% lên mức 87,45 USD/thùng.
Được hỗ trợ đà tăng ngay phiên đầu tuần, tuy nhiên, giá dầu vẫn còn chịu tác động từ đà giảm của tuần trước dưới những thông tin trái chiều.
Một mặt là tác động bởi sự lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc. Mặt khác lại lo ngại về suy thoái kinh tế sau dữ liệu hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 1 giảm tháng thứ 7 liên tiếp, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.
Tuần trước, tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu tiêu thụ thực tế, giảm 866.000 thùng xuống 19,45 triệu thùng/ngày. Mức trung bình trong bốn tuần cũng đã giảm về 18,89 triệu thùng/ngày, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa có sự cải thiện đáng chú ý.
Bên cạnh đó, tín hiệu nguồn cung mạnh mẽ từ Nga cũng kìm hãm đà tăng của giá dầu. Các thương nhân cho biết, chuyến hàng dầu thô từ cảng Baltic của Nga trong 10 ngày đầu tháng 2 có thể tăng lên 1 triệu tấn từ mức 0,9 triệu tấn trong kế hoạch cùng kỳ tháng 1, tăng 11% so với mức cơ sở hàng ngày.
Nguồn cung từ Nga vẫn còn là một bài toán phức tạp, nhất là khi các nước phương Tây đang lên kế hoạch áp đặt trần giá đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga kể từ ngày 5/2 sắp tới.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức giới hạn giá dầu diesel của Nga là 100 USD/thùng, và sẽ làm việc với nhóm G7 nhằm thống nhất quy chuẩn.
Tuy nhiên, việc nhóm G7 đưa ra khoảng giá 100-110 USD/thùng, cho thấy sự thận trọng nhất định trước lo ngại rằng việc đặt mức quá thấp có nguy cơ gây ra sự tăng giá đột biến.
Tuần này, thị trường dầu sẽ hướng tới tâm điểm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào thứ Tư và cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng thứ Năm, sẽ khiến giá biến động mạnh hơn đáng kể so với tuần vừa qua.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu sáng ngày 30/1 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 11/1 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá bán lẻ với xăng E5 RON92 là 21.350 đồng/lít và xăng RON95 là 22.150 đồng/lít.
Trong khi đó các mặt hàng dầu đều giảm giá ở kỳ điều hành này. Cụ thể, dầu diesel giảm về mức 21.634 đồng/lít; dầu hoả hạ còn 21.809 đồng và dầu mazut giảm còn 13.366 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành này, tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn giá và giảm mức chi từ quỹ với các mặt hàng xăng. Theo đó, mức chi từ quỹ với RON 95-III giảm về 103 đồng; E5 RON 92 chi 121 đồng. Với các mặt hàng dầu, mức chi sử dụng quỹ với các mặt hàng dầu vẫn duy trì 0 đồng, song tăng mức trích lập vào quỹ từ 0 đồng lên 300 - 605 đồng/lít, kg tuỳ loại.
Nguồn tin: Công thương