Giá Brent (tháng 08/2021) tuần giao dịch từ ngày 31/05 - 04/06 biến động trong biên độ 68,75 – 72,1 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức trên 71,6 USD/thùng (+3,8%/tuần).
Tiếp nối đà tăng tích lũy trong tuần trước, và nhờ hội tụ đủ yếu tố hỗ trợ, Brent trong tuần qua đã liên tục tăng giá, chính thức vượt ngưỡng 72 USD/thùng. Những yếu tố tích cực hỗ trợ giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 tuần này gồm có:
OPEC+ nhận định lạc quan về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới, nguồn cung thâm hụt 1,5-2,0 triệu bpd, toàn bộ lượng tồn kho tích lũy trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát sẽ được hấp thụ hết trong quý 2 này. Ngoài ra, nhu cầu trong quý 4 sẽ tăng lên 99 triệu bpd, đủ để hấp thụ sản lượng bổ sung của Iran (nếu có);
Nhu cầu tiêu thụ xăng thế giới đã phục hồi 100% so với trước khủng hoảng, trong đó, nhu cầu tại Mỹ dự báo sẽ cao, giá xăng trung bình tại đây đã vượt 3,046 USD/Gallon – mức cao nhất kể từ tháng 10/2014;
Các chỉ số kinh tế vĩ mô thế giới như GDP, PMI đều tăng trưởng tốt trong tháng 5 vừa qua, đặc biệt sản xuất công nghiệp Trung Quốc;
Trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần kết thúc ngày 28/05 tiếp tục giảm mạnh 5,1 triệu thùnqg/tuần xuống còn 479 triệu thùng, sản lượng khai thác trung bình cũng giảm 200.000 bpd xuống 10,8 triệu bpd;
Số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Mỹ giảm duy nhất 1 giàn, lần đầu tiên trong vòng 6 tuần cuối.
Tiến trình tiêm chủng vaccine thế giới có những bước tiến nhanh chóng, có trên 2,1 tỷ liều đã được tiêm, đặc biệt tại các nước phát triển, tỷ lệ người tiêm 1 mũi tại Mỹ vượt 51%, 2 mũi 41%, chỉ số tương tự tại các nước EU trên 40% và 20% tương ứng. Tuy nhiên, các thành viên OPEC+ cũng lưu ý, dịch bệnh vẫn đang đe dọa sự phục hồi nhu cầu bền vững, hoành hành tại nhiều thị trường chính như Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản. Giá dầu trong ngắn hạn dự báo đi ngang chờ thông tin đàm phán Iran.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 68 - 73 USD/thùng.
Nguồn tin: PetroTimes