Giá Brent (tháng 3/2021) trong các phiên giao dịch từ đầu năm 2021 đến ngày 15/1 biến động trong biên độ 50,6 - 57,38 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch giảm 2,3% tuột mất mốc 55 USD/thùng (54,84 USD/thùng).
Mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 Brent giữ được đà tăng cuối năm 2020, thị trường càng tự tin sau khi các thành viên OPEC+ đạt được thỏa thuận giữ nguyên sản lượng trong quý 1/2021, đặc biệt phấn khích bởi tuyên bố cắt giảm tự nguyện 1,425 triệu bpd của KSA và một số thành viên OPEC+ trong tháng 2 và tháng 3 tới. Thêm vào đó, số liệu thống kê kinh tế Trung Quốc tháng 12 khả quan cùng chỉ số đồng USD yếu, kỳ vọng vào gói cứu trợ kinh tế Mỹ mới trị giá 1.900 tỷ USD và thông tin tích cực về trữ lượng dầu thô thương mại Mỹ giảm nhiều tuần liên tiếp đã giúp Brent giữ giá quanh mức 55 USD/thùng bất chấp những thông tin tiêu cực về Covid-19, chính trường Mỹ trước thềm chuyển giao quyền lực, thậm chí đẩy giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 - 57,38 USD/thùng (ngày 13/1/2021).
Tuy nhiên, 2 phiên giao dịch cuối tuần cho thấy, thị trường bắt đầu thận trọng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lo ngại lockdown mở rộng và kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu, cùng với việc ngân hàng trung ương Trung Quốc thu hẹp thanh khoản, cho rằng thị trường tài chính nước này đang tăng trưởng nóng.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, số ca tử vong vượt 2 triệu người, số ca nhiễm vượt 95,2 triệu, tốc độ tăng gần 650.000 ca/ngày (số liệu tại LB Nga: 65.566 người tử vong, gần 3,6 triệu ca mắc và ổn định quanh 23.000 - 25.000 ca nhiễm mới/ngày), đặc biệt nghiêm trọng tại châu Âu, Brazil nơi biến thể mới đang lây lan nhanh chóng. Ngoài Anh (trên 55.000 ca/ngày) với hệ thống y tế quá tải, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Slovenia áp dụng lockdown nghiêm ngặt, Pháp - lệnh giới nghiêm và cách ly bắt buộc người nhập cảnh từ ngoài EU, Đức chuẩn bị cho đợt lockdown nghiêm ngặt quy mô lớn nhất, bao gồm cả đình chỉ hoạt động giao thông công cộng và chuyển hàng loạt nhân viên sang chế độ làm việc từ xa. Diễn biến tại Trung Quốc cũng không khả quan, chính quyền đã lockdown 28 triệu dân, chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc sau khi phát hiện trên 144 ca nhiễm mới trong cộng đồng, ghi nhận ca tử vong do Covid-19 đầu tiên sau 6 tháng. Nhiều khả năng người dân Trung Quốc năm nay sẽ đón Tết tại nơi đang cư trú, hạn chế tối đa đi lại.
Quá trình tiêm chủng vaccine thế giới diễn ra không nhanh như mong đợi, tổng cộng mới được 39,7 triệu liều, tỷ lệ trên 100 dân cao nhất tại Trung Đông: Israel - 26,83, UAE - 19,04 và Bahrain - 8,06 (Anh - 5,9; Mỹ - 4,2). Top 10 quốc gia tiêm chủng được nhiều nhất hiện nay bao gồm: Mỹ - 13,7 triệu liều, Trung Quốc - 9,0 triệu, EU - 4,84 triệu, Anh - 4,0 triệu, Israel - 2,27 triệu, UAE - 1,8 triệu và LB Nga - 1,5 triệu. Ngoài ra, hiệu ứng phụ gây tử vong sau khi tiêm vaccine ở người cao tuổi khá cao, tại Mỹ 55 người chết sau tiêm vaccine Moderna, Na Uy - 23 người, Đức - 10 người sau tiêm vaccine Pfizer.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 51-56 USD/thùng.
Nguồn tin: PetroTimes