Giá Brent trong 3 ngày giao dịch đầu tuần 13-15/09 biến động trong biên độ khá rộng 73,3 – 76,1 USD/thùng, tại thời điểm 00h00 MSK giao dịch ở mức cao 75,5 USD/thùng (+2,5%).
Mở cửa tuần giao dịch, Brent giao dịch trong biên độ hẹp 73-74 USD/thùng trên nền thông tin trái chiều. Đến cuối ngày 15/09, lực hỗ trợ thắng thế, đẩy giá Brent có thời điểm vượt 76,1 USD/thùng nhờ báo cáo trữ lượng dầu thô thương mại Mỹ tuần kết thúc ngày 10/09 giảm 6.4 triệu thùng, gấp đôi so với dự báo của EIA. Những yếu tố hỗ trợ giá dầu khác có thể kể đến như:
Nguồn cung dầu thô thế giới tháng 8 giảm 540.000 bpd, trong đó, sản lượng khai thác OPEC+ lần đầu tiên giảm 150.000 bpd bất chấp nới lỏng hạn ngạch thêm 400.000 bpd;
Bão Ida dự báo cắt giảm sản lượng khai thác vịnh Mexico khoảng 30 triệu thùng;
OPEC, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ thế giới cuối năm 2021 tăng, trong trường hợp kiểm soát tốt dịch bệnh;
Hoạt động 2 cảng xuất khẩu dầu Libya - Es Sider và Ras Lanuf lại bị lực lượng biểu tình phong tỏa;
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng chóng mặt, có thời điểm vượt 950 USD/1000m3, tương ứng 158 USD/boe.
Bên cạnh đó, những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực vẫn tồn tại như:
Sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ tiếp tục tăng 66.000 bpd lên 8,1 triệu bpd;
Trung Quốc thực hiện chính sách bán dầu – can thiệp thị trường từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia;
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các chỉ số đều thấp hơn dự kiến do giá nguyên vật liệu, nhân công tăng và dịch bệnh tái bùng phát cục bộ: doanh số bán lẻ tháng 8 chỉ tăng 2,5% (dự báo tăng 7%), sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, thấp hơn dự báo 0,5%;
Dịch bệnh Covid-19 đe dọa tái bùng phát, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa có thể kèm theo cúm thông thường.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 72 - 77 USD/thùng.
Nguồn tin: PetroTimes