Giá Brent giao tháng 1/2021 trong tuần giao dịch từ 9 - 13/11 biến động trong biên độ 39,94 - 45,2 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 42,7 USD/thùng (+7%/tuần).
3 ngày giao dịch đầu tuần với sự kết hợp của một số thông tin tích cực và sự hưng phấn của thị trường tài chính, hàng hóa đã đẩy giá dầu tăng mạnh trên 14%, vượt ngưỡng 45 USD/thùng kể từ tháng 8.
Thông tin ứng cử viên Tổng thống Mỹ J. Biden củng cố cơ hội chiến thắng đã giúp Brent giữ được đà tăng tuần trước, sau đó bứt phá tăng 9% trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ báo cáo khả quan về kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine chống Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), đạt hiệu quả trên 90%, có khả năng nhận được giấy chứng nhận đăng ký tại Mỹ và châu Âu trong năm nay cùng với năng lực sản xuất có thể lên tới 50 triệu liều đến cuối năm 2020 và 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
Tuy nhiên, nhược điểm của vaccine Pfizer là nhiệt độ bảo quản thấp -70 độ C (so với -18 độ C của Nga), sẽ gây cản trở trong quá trình vận chuyển, lưu trữ. Báo cáo sơ bộ về trữ lượng dầu thô thương mại Mỹ giảm 5,1 triệu thùng/tuần, sản phẩm dầu mỏ giảm 9 triệu thùng (xăng 3,3 triệu thùng, diesel 5,6 triệu thùng) của API công bố cũng giúp Brent duy trì được đà tăng đến giữa tuần.
Hiệu ứng vaccine và mức độ hưng phấn của thị trường trở nên yếu dần vào 2 ngày giao dịch cuối tuần, mặc dù Brent giữ được đà tăng gần 7%/tuần, nhưng so với mức đỉnh trên 45 USD/thùng, Brent đã giảm 6%, nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang những vấn đề đang diễn ra:
EIA công bố số liệu trữ lượng dầu thương mại Mỹ tăng 4,3 triệu thùng/tuần;
Sản lượng khai thác tại Libya vượt ngưỡng 1,2 triệu bpd;
Tình hình dịch bệnh tiến triển phức tạp không chỉ riêng ở châu Âu và Mỹ, tại Trung Đông có dấu hiệu bùng phát nhanh. Những biện pháp thắt chặt giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và lockdown toàn phần ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế trong quý 4, giảm nhu cầu nhiên liệu.
Hai tổ chức năng lượng lớn IEA và OPEC đều hạ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới, nhấn mạnh rằng, tiêm phòng vaccine rộng rãi sẽ chỉ tác động đến nhu cầu dầu sau ít nhất 6 tháng;
Mỹ có thể xem xét thắt chặt các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh, thậm chí không loại trừ áp dụng lockdown một phần kinh tế trong bối cảnh số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 180.000 ca/ngày, nhập viện trên 69.500 ca/ngày. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ trên 11,3 triệu, trong đó bang Texas và California vượt mốc 1 triệu.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 37 - 44 USD/thùng.
Nguồn tin: PetroTimes