Giá Brent trong 3 ngày giao dịch đầu tuần từ 26-28/07 biến động trong biên độ 72,3 – 74,3 USD/thùng, tại thời điểm 19h00 MSK giao dịch ở mức 73,7 USD/thùng (+0,2%).
Giá dầu thế giới đi ngang và giao động trong biên độ hẹp trong bối cảnh thiếu thông tin tích cực hỗ trợ, cũng như trên nền diễn biến tình hình dịch bệnh với xu hướng tiêu cực. IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và một số nền kinh tế lớn chủ chốt, đồng thời tăng dự báo giá dầu bình quân năm 2021 lên 64,7 USD/thùng (+6,2) và năm 2022 – 63,0 USD/thùng (+8,2). Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu thế giới vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn đi kèm giảm tồn kho xuống dưới mức trung bình 5 năm. Tuy nhiên, thế giới đang đứng trước bước ngoặt, một là kiểm soát được dịch bệnh, hai là quay trở lại điểm xuất phát ban đầu với những biến chủng coronavirus mới, có khả năng vô hiệu hóa vaccine và lây lan nhanh hơn.
Không loại trừ khả năng làn sóng bùng phát biến thể Delta có thể dẫn đến lockdown diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến đà tăng trưởng kinh tế, nhu cầu dầu thế giới. Sau Ấn Độ, biến chủng này đang hoành hành tại Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Việt Nam), nơi đã phải áp dụng giãn cách xã hội để hạn dịch bệnh lây lan. Nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ trở lại dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới 61.600/ngày ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi đạt 50% dân số. Vấn đề khan hiếm vaccine thế giới sẽ gia tăng và ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng tại các quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vaccine.
Giá dầu đang được hỗ trợ bởi thông tin sản lượng khai thác tuần Mỹ kết thúc ngày 23/07 giảm 200.000 bpd xuống 11,2 triệu bpd, xấp xỉ sản lượng tháng 6. Đồng thời, API dự báo trữ lượng dầu thô thương mại giảm 4,73 triệu thùng (chính thức EIA giảm 4,1 triệu thùng), xăng giảm 6,2 triệu thùng và sản phẩm chưng cất trung bình giảm 1,9 triệu thùng.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 72-77 USD/thùng.
Nguồn tin: PetroTimes