Giá Brent (tháng 12/21) trong tuần giao dịch từ 27-29/09 biến động trong biên độ khá rộng 77,0 – 80,75 USD/thùng, tại thời điểm 04h00 HN đang giao dịch ở mức 78,35 USD/thùng ( giảm 0,94%).
Tiếp tục tinh thần lạc quan tuần trước, cùng hàng loạt thông tin về nguy cơ thiếu hụt năng lượng (than, điện) đẩy giá khí đốt châu Âu, châu Á mở cửa tuần giao dịch tăng vượt ngưỡng 1.000 USD/1000 m3, kéo theo giá dầu Brent thời điểm vượt 80,7 USD/thùng – cao nhất kể từ 2018. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường tài chính, dầu thô quay đầu giảm xuống 77 USD/thùng (-5%) do xuất hiện nhiều thông tin xấu:
Lo ngại khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, châu Âu và thế giới nói chung, cũng như gia tăng lạm phát khiến các NHTW sớm thắt chặt chính sách tiền tệ;
Bộ Tài chính Mỹ cảnh bảo khả năng Chính phủ ngừng hoạt động sau 30/09 (không có tiền chi trả) và không thể tiếp tục vay mới, nếu không nới trần nợ công;
Fed bất ngờ phát đi tín hiệu đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thu hồi gói nới lỏng định lượng (QE) 120 tỷ USD/tháng;
Nhà Trắng cân nhắc mọi biện pháp tác động làm giá dầu thô thế giới hạ nhiệt, bao gồm cả tương tác với OPEC;
Trữ lượng dầu thương mại Mỹ bất ngờ tăng trở lại 4,6 triệu thùng/tuần sau 8 tuần giảm liên tiếp (EIA).
Mặt khác, dự báo mới nhất OPEC cho thấy, nhu cầu dầu thô, khí đốt sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới, thâm hụt nguồn cung lên tới 1,1 triệu bpd và việc OPEC+ không dự định tăng sản lượng khai thác ngoài kế hoạch đang hỗ trợ, không để Brent giảm sâu.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 75 - 81 USD/thùng.