Giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có chiều hướng tăng khi Tết Tân Sửu đang đến gần, nhưng theo các chuyên gia khả năng giữ được Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 dưới 4% là khả thi.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), tháng 1 và tháng 2 hằng năm thường rơi vào Tết Nguyên đán, sau đó là các lễ hội đầu năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ, du ngoạn, đi lại tăng đột biến, nên CPI trong 2 tháng này thường cao hơn bình quân cả năm.
“Việc giá một số loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là lương thực, thực phẩm có tăng trong những ngày gần đây do Tết Nguyên đán Tân Sửu đến gần cũng là theo quy luật, không có gì đáng lo ngại và khả năng kiểm soát CPI tăng dưới 4% hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu không có diễn biến bất thường trong năm nay”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Phân tích những yếu tố tác động tới CPI, ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, CPI năm 2020 chủ yếu bị tác động mạnh bởi giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng 2 nhóm hàng này tăng mạnh vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn do giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% vì đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài, nên nhu cầu mặt hàng này trong năm 2020 luôn ở mức cao.
Mặc dù thời điểm hiện tại, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ đang tăng, nhưng ông Minh vẫn dự báo, CPI bình quân năm 2021 sẽ dao động từ 3,2% đến 3,8%, vì ba nhóm lý do chủ yếu.
Thứ nhất, mặc dù các loại vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tiêm chủng trên diện rộng; hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế sớm được khôi phục, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục như kỳ vọng, nên giá cả nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh.
Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan, cung - cầu thịt lợn ở thị trường trong nước năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần ổn định.
Thứ ba, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Nhìn vào biểu đồ tăng CPI từng tháng trong năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, TS. Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính) dự báo, khả năng CPI năm 2021 sẽ dưới 3%, tức là thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (mục tiêu tăng CPI dưới 4%).
“Với giả định lạm phát cơ bản tăng trung bình 0,23%/tháng, tương đương với mức tăng của năm 2019 - năm trước khi xảy ra bệnh dịch Covid-19, đồng thời, giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng nhẹ, CPI tháng 12/2021 sẽ tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2020, còn lạm phát trung bình sẽ khoảng hơn 2%. Trong trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%”, ông Độ nhận định.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì năm 2021, CPI sẽ tăng từ 3,5% đến 4,2%. “Nếu đại dịch Covid-19 được khống chế, kinh tế thế giới phục hồi, GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng khoảng 6,17%, thì CPI sẽ tăng 3,5%. Còn trong trường hợp kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến (tăng khoảng 4%), nhờ đó, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,72%, thì CPI năm 2021 sẽ vượt mức Quốc hội cho phép, lên 4,2%”, ông Đức Anh dự báo.
Nguồn tin: Pháp luật