Vài tháng nữa, tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD sẽ vận hành thương mại. Cùng với lọc hóa dầu Dung Quất, xăng dầu nhập khẩu, thị trường xăng dầu trong nước sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Sức ép cạnh tranh nhìn từ Dung Quất
Mới đây, PV. VietNamNet đã có mặt ở nhà máy lọc dầu Dung Quất ‘tỷ đô’ của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Nhà máy này đang bước vào đợt bảo dưỡng tổng thể 52 ngày đêm để giúp hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên.
Lọc dầu Dung Quất từng phải đối mặt nguy cơ không bán được hàng. Ảnh: L.Bằng
Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, lọc dầu Dung Quất đang vật vã lo “đóng cửa” vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Nay, Tổng giám đốc Công ty BSR Trần Ngọc Nguyên đã có thể thở phào vì từ tháng 1/2017 nhà máy được tự chủ trong quyết định giá bán.
“Theo quyết định số 1725 của Thủ tướng Chính phủ thì từ ngày 1/1/2017 hàng hóa của BSR đã được cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu thông qua việc bãi bỏ quy định về thu điều tiết, cấp bù đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Bình Sơn”, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết.
Có nghĩa, với cơ chế này, BSR có thể linh hoạt giảm giá bán sản phẩm tương ứng với sản phẩm nhập từ Hàn Quốc (thuế nhập khẩu 10%) để không còn sự chênh lệch về thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa lọc dầu Bình Sơn có thể yên tâm.
Lãnh đạo BSR thừa nhận: Hiện tại, các sản phẩm của nhà máy đang bán ở mức giá có thuế nhập khẩu ngang bằng với hàng nhập khẩu, cụ thể ở mức thuế nhập khẩu 10% đối với xăng và 0% đối với dầu. Theo lộ trình giảm thuế thì đến năm 2024 thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 0%. Theo quy định hiện tại về việc giá bán sản phẩm của lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm của nhà máy sẽ áp dụng theo lộ trình thuế này. Đây là một khó khăn, thách thức lớn đối với việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy.
Đánh giá thị trường xăng dầu Việt Nam chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và của các hiệp định thương mại tự do, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam bày tỏ: Tính đến thời điểm hiện nay, mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại 60% nhập khẩu. Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại thì khả năng cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới, vì vậy yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước là yêu cầu hàng đầu, quyết định sự tồn tại phát triển công nghiệp hóa dầu Việt Nam và thị trường xăng dầu Việt Nam.
Ông Ruệ cũng lo ngại xăng dầu trong nước sẽ gặp nhiều áp lực trước sức ép mở cửa thị trường, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2024, đặc biệt là sức ép bảo vệ thị trường trong nước, kể cả hệ thống lọc hóa dầu trong nước, hệ thống phân phối các DN Việt Nam.
“Để bảo vệ sản xuất trong nước, cần có những rào cản kỹ thuật hoặc những rào cản WTO không cấm để bảo vệ thị trường, các DN trong nước”, ông Ruệ đề xuất.
Cuộc cạnh tranh giữa các nhà máy lọc dầu sẽ rất khốc liệt.
Có lo thừa xăng dầu?
Gần 2 năm trước, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã tính toán: Khi lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả Dung Quất) cho thị trường Việt Nam đạt khoảng 18,1 triệu mét khối.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường nội địa với xăng, dầu diesel và xăng Jet A1 vào năm 2018 chỉ khoảng 17,3 triệu mét khối. Như vậy, nguồn cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000m3. Còn sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Đó là chưa kể, mới đây, sau bao thăng trầm, dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam đã được tái khởi động với tổng vốn lên đến 5,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, trả lời PV.VietNamNet, các lãnh đạo của lọc dầu Dung Quất đều tỏ ra bình thản.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cho hay: Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn 5 năm nữa mới đáp ứng 70% nhu cầu trong nước vì nhu cầu tăng theo thời gian. Còn dự án Long Sơn mới là hóa dầu, chưa phải lọc dầu. Cho nên việc sợ thừa sản phẩm xăng dầu trong thời gian ngắn chưa phải lo.
“Ngoài ra, quy trình vận hành nhà máy lọc hóa dầu có thể điều chỉnh để bớt sản phẩm xăng dầu tạo sản phẩm hóa dầu. Mai mốt có nhà máy thứ 3 có thể điều chỉnh, thị trường dư thừa xăng dầu thì chuyển thành hóa dầu. Như vậy xăng dầu không bị thừa. Tóm lại vận hành nhà máy rất linh động, điều chỉnh qua lại”, ông Nguyễn Hoài Giang cho biết.
Các lãnh đạo của BSR cho rằng, xuất khẩu cũng là một hướng đi nếu có tình trạng cung vượt quá cầu vì thị trường Indonesia, Lào… vẫn còn nhu cầu.
Lạc quan là vậy, nhưng lọc dầu Dung Quất hiện tại vẫn còn một “nút thắt” khác.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR tiết lộ: Nhà máy Dung Quất được đưa vào vận hành từ 2009. Do đó nhà máy chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải Euro4. Chất lượng xăng Mogas 95 mới chỉ đạt Euro 3, xăng Mogas 92 đạt Euro 2, còn dầu diesel cũng chỉ đạt Euro 2.
Trong khi đó, theo Quyết định 49 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo 126 ngày 10/3/2017, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2017 và mức 5 từ 1/1/2022. Xe mô tô áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ 1/1/2017.
Có nghĩa, nếu theo đúng lộ trình này sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể đáp ứng được tiêu chuẩn kể trên. Phải chờ năm 2021, dự án mở rộng nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành thì tiêu chí kể trên mới đạt được.
Chính vì vậy, lọc dầu Dung Quất đã phải kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục tiêu thụ xăng dầu mức Euro 2 đến năm 2021 do 85% động cơ xe máy vẫn sẽ phải dùng nhiên liệu Euro 2.
Nguồn tin: Vietnamnet.vn