Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC trong quý IV/2017.
SCG sẽ cấp bảo lãnh 100% cho các khoản vay
Theo thỏa thuận vừa được ký giữa 2 nhà đầu tư của Dự án, PVN và SCG sẽ góp vốn, đảm bảo việc thu xếp vốn khả thi và được các ngân hàng chấp thuận cho vay với điều kiện tốt nhất.
Hiện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (doanh nghiệp phát triển Dự án) cùng với tư vấn tài chính SMBC đã phối hợp với các bên triển khai các công việc có liên quan, như xây dựng hồ sơ dự án, mô hình tài chính, phát hành hồ sơ mời thầu (RFP) gửi các ngân hàng cho vay chính. Theo kế hoạch, trong tháng 8/2017 sẽ có các cam kết chào cho vay từ 8 ngân hàng cho vay chính.
Thỏa thuận cũng ghi, nếu các bên cho vay có yêu cầu, SCG sẽ xem xét cấp bảo lãnh cho 100% các khoản vay của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, bao gồm cả phần vay của PVN (tương ứng 29% vốn góp vào Dự án).
Nội dung này được lãnh đạo PVN đánh giá là thể hiện cam kết mạnh mẽ của SCG trong việc triển khai Dự án.
Dĩ nhiên, PVN sẽ xem xét ký 1 thỏa thuận hoàn trả SCG với số tiền cam kết hoàn trả không vượt quá tỷ lệ tham gia của PVN trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (hiện nay là 29%) trong trường hợp các bên cho vay yêu cầu SCG thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay Công ty Hóa dầu Long Sơn.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, mục tiêu được đặt ra là Dự án có đủ vốn đầu tư, bao gồm cả vốn góp và vốn vay vào tháng 12/2017 .
Được biết, PVN và SCG cũng đồng ý hỗ trợ tối đa để Công ty Hóa dầu Long Sơn bắt đầu thực hiện Hợp đồng EPC sớm nhất, có thể trong quý IV/2017.
Theo đó, Công ty Hóa dầu Long Sơn sẽ ưu tiên các đơn vị thành viên/công ty con của PVN tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hóa cần thiết phục vụ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, với điều kiện không vi phạm pháp luật hiện hành, đảm bảo tính chất cạnh tranh thị trường và lợi ích của Công ty Hóa dầu Long Sơn.
Vốn tăng lên 5,4 tỷ USD
Tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỷ USD - vượt xa con số 3,7 tỷ USD được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cấp năm 2008. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022.
Hiện tại, PVN góp 29% vốn trong Dự án, Công ty Hoá chất VSCG Chemical thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan góp 53%, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC (Thái Lan) góp 18%.
Đại diện PVN cho hay, trong quá trình xây dựng, Dự án sẽ tạo ra 15.000 - 20.000 việc làm. Khi đi vào vận hành thương mại, Dự án sẽ tạo ra trên 1.000 việc làm và đóng góp cho ngân sách quốc gia 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm) trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 390 hộ dân trên tổng diện tích 464 ha mặt bằng chính của Dự án và đã có Biên bản bàn giao đất thực địa cho LSP vào ngày 15/12/2016.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang kiểm tra đơn giá thuê đất để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trước khi chính thức ký Hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.
Được biết, sau 11 đợt thanh toán, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đã chi tổng cộng 956 tỷ đồng tiền tạm ứng thuê đất cho địa phương.
Tới nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn và có thư trao thầu (LOA) cho các nhà thầu trúng thầu của các gói thầu EPC chính. Hiện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đang khẩn trương hoàn thành và trình kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu EPC còn lại.
Để đảm bảo hoạt động, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã có hợp đồng cung cấp nguyên liệu ký với với Công ty Kinh doanh dầu mỏ quốc tế Qatar (Qatar International Petroleum Marketing Company Ltd - Tasweeq) và đang đàm phán ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh một số điều khoản tạo điều kiện tiếp tục duy trì hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn đã ký trước đây.
Nguồn tin: Baodautu.vn