Ngay cả sau khi chạm mức cao nhất trong vài năm vào những ngày gần đây, giá dầu vẫn còn nhiều dư địa để tăng trong mùa đông này. Các nhà phân tích nói rằng, ít nhất các nguyên tắc cơ bản của thị trường ngắn hạn cho thấy như vậy.
Tồn kho trên toàn thế giới đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước đại dịch do nguồn cung đang cạn kiệt, trong khi nhu cầu tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung phản ứng yếu hơn từ các nhà sản xuất. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và châu Á cùng với giá khí đốt tự nhiên và giá than đá cao kỷ lục càng củng cố cho lập luận giá dầu tăng trong những tháng tới khi việc chuyển đổi từ khí đốt sang các sản phẩm dầu như dầu nhiên liệu và dầu diesel, đặc biệt là ở châu Á, đang được tiến hành.
Cấu trúc của đường cong giá dầu tương lai một năm kể từ bây giờ cũng cho thấy thị trường thắt chặt và dư địa cho giá dầu thô cao hơn.
Tồn kho giảm khi nhu cầu tăng trở lại
Về phía lực cầu, các nền kinh tế đang phục hồi và việc đi lại đã thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong những tháng gần đây, dẫn đến việc rút bớt dầu trong kho khiến dự trữ toàn cầu xuống dưới mức trung bình gần đây.
Tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển OECD nói chung, dự trữ dầu thương mại đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước dịch COVID sau khi đảo ngược mức tăng khổng lồ từ mùa xuân và mùa hè năm ngoái, nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters lưu ý.
Tính đến tuần báo cáo mới nhất, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ ở mức 427 triệu thùng, thấp hơn khoảng 6% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm. Dữ liệu EIA mới nhất cho thấy, tồn kho xăng thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình 5 năm, dự trữ nhiên liệu chưng cất thấp hơn 9%, trong khi tồn kho propan/propylene thấp hơn 21% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm nay.
Tại các nước thuộc OECD, dự trữ thương mại trong tháng 8 thấp hơn 162 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm trước COVID, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất vào tuần trước. Dữ liệu sơ bộ của Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản cho thấy kho dự trữ trên đất liền giảm thêm 23 triệu thùng trong tháng Chín.
Trên toàn cầu, tồn kho sản phẩm tinh chế quý 3 "cho thấy mức giảm lớn nhất trong tám năm, điều này giải thích cho sự gia tăng mạnh của biên lợi nhuận lọc dầu trong tháng 9 mặc dù giá dầu thô cao hơn đáng kể", IEA cho biết.
Cơ quan này lưu ý, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và châu Á có thể thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu thêm 500.000 thùng/ngày so với một thị trường “bình thường” không có khủng hoảng khí tự nhiên và than đá, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2021 và 2022.
Cung không theo kịp Cầu khi OPEC+ giữ thị trường thắt chặt
Trong khi nhu cầu đã tăng trở lại bất chấp sự bùng phát dịch COVID vào mùa hè ở Mỹ và châu Á, thì việc bổ sung nguồn cung cho thị trường dầu đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu.
Đầu tiên, cơn bão Ida đã làm hạn chế nguồn cung dầu của Hoa Kỳ từ Vịnh Mexico từ cuối tháng 8 đến gần hết tháng 9. Nguồn cung khu vực này sẽ không phục hồi toàn bộ công suất cho đến đầu năm sau, vì một giàn khoan do Shell vận hành sẽ vẫn hoạt động đóng cửa cho đến cuối năm 2021.
Đồng thời, nhóm OPEC + tiếp tục giữ thị trường thắt chặt, chỉ bổ sung 400.000 thùng/ngày vào tổng nguồn cung, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ và các quốc gia tiêu thụ khác để tăng sản lượng và kìm chế giá dầu cao, và bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng đã buộc các công ty điện lực phải tăng cường sản xuất điện bằng dầu trong bối cảnh giá khí tự nhiên cao kỷ lục, làm thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm dầu.
Các nhà lãnh đạo OPEC+ chỉ ra tình trạng dư cung dự kiến trong năm tới và sự cần thiết phải nhìn xa hơn hai tháng tới trong quyết định của họ để tiếp tục chỉ cắt giảm 400.000 thùng/tháng.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tuần trước về cơ bản đã loại trừ phương án liên minh sẽ phản ứng với đà tăng giá dầu bằng cách bổ sung nguồn cung nhiều hơn so với kế hoạch.
“Chúng ta nên nhìn xa trông rộng. Bởi vì nếu anh làm như vậy và đến năm 2022, anh sẽ kết thúc cuối năm 2022 với một lượng tồn kho quá lớn”, ông nói hôm thứ Năm.
Hơn nữa, số liệu sản lượng cho thấy OPEC+ đang thực sự bơm thấp hơn mức trần sản xuất chung của nhóm. Theo ước tính của Bloomberg, nếu tất cả các thành viên của liên minh đều tuân thủ mức trần sản xuất tương ứng vào tháng 9, thì tổng sản lượng của cả nhóm sẽ cao hơn 747.000 thùng/ngày so với mức thực tế.
Có vẻ như OPEC+ không quá lo lắng về sự triệt tiêu nhu cầu dầu ở mức 85 USD, ít nhất là không phải lúc này. Các nhà lãnh đạo của tổ chức này nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm nhìn dài hạn và sự ổn định trên thị trường, dự đoán nguồn cung tăng vào năm 2022 từ các giếng dầu của họ và từ mỏ đá phiến của Mỹ, nơi dường như đang duy trì kỷ luật chi phí vốn ngay cả ở mức dầu 80 đô la.
Cấu trúc Backwardation có độ dốc đứng cho thấy giá dầu thậm chí còn cao hơn nữa
Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, nguồn cung vẫn khan hiếm, trong khi giá ở trong cấu trúc Backwardation - một chỉ báo quan trọng cho thấy thị trường đang thắt chặt - giữa hợp đồng Brent giao tháng 12 năm 2021 và hợp đồng giao tháng 12 năm 2022 đã tăng lên hơn 8 USD/thùng trong những ngày gần đây. Đây là cấu trúc giá backwardation Brent 12 tháng có độ dốc nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon được Reuters trích dẫn.
Ngân hàng MUFG Nhật Bản cho biết trong báo cáo Thị trường Dầu hàng tuần của mình vào tuần trước: “Cuộc khủng hoảng năng lượng đang tạo ra mức giá sàn 80 USD/thùng cho dầu”.
Nhóm nghiên cứu của ngân hàng này viết: “Sự gia tăng timespreads của dầu thô Brent trong những ngày giao dịch gần đây báo hiệu rằng con đường dẫn đến giá dầu cao hơn nữa vẫn vững chắc”.
Nguồn tin: xangdau.net