Tuần trước, Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận với thông tin rằng họ sẽ giải phóng một số dầu thô từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình, một động thái mà Bloomberg gọi là "một sự can thiệp chưa từng có tiền lệ".
Quả thật, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thông báo bán dầu từ kho dự trữ chiến lược. Không xác định được quy mô của kho dự trữ này vì chính phủ không bao giờ công bố dữ liệu đó, nhưng các nhà phân tích đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để ước tính xem Trung Quốc có bao nhiêu dầu trong kho.
Tất nhiên, lý do của động thái này là vì giá dầu. Ở mức hơn 70 USD/thùng, dầu thô dường như đã trở nên quá đắt đối với Bắc Kinh sau khi lạm phát giá sản xuất chạm mức cao nhất trong 13 năm vào tháng trước, theo báo cáo của Reuters. Báo cáo tương tự cũng dẫn lời cơ quan quản lý Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm quốc gia Trung Quốc cho biết việc bán dầu sẽ "ổn định cung cầu thị trường trong nước tốt hơn và đảm bảo an ninh năng lượng một cách hiệu quả."
Trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới này, từ đầu năm cho đến nay đã tăng trưởng với tốc độ 8,44%, đã phải vật lộn với giá nguyên liệu thô cao trong nhiều tháng, giống như những nơi còn lại của thế giới. Nhưng không giống những nước còn lại, Trung Quốc có các đòn bẩy để kéo giảm chi phí khi họ quyết định rằng nó đã đủ cao.
Điều thú vị là đây có lẽ không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của mình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó được công khai, Amrita Sen của Energy Aspects nói với Financial Times.
"Đây không phải là điều gì mới mẻ, nhưng thông báo này là mới và tôi nghĩ rằng đó là một nỗ lực từ phía họ để điều chỉnh giá trong nước", Sen giải thích.
Điều thú vị nữa, như được ghi nhận trong bản tin của Financial Times về tin tức này, đó là thông báo đầu tiên thuộc loại này được đưa ra ngay sau cuộc họp mới đây của OPEC +, nơi tổ chức này quyết định tiếp tục bổ sung sản lượng ở mức đã thống nhất trước đó bất chấp những lời kêu gọi - cả từ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden - để bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường nhằm kiềm chế sự tăng giá. Như Clyde Russell, nhà báo chuyên mục của Reuters, việc bán dầu là nhằm gởi thông điệp, chứ không phải vì chính dầu.
Kể từ sau đại dịch, các nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới dường như ngày càng trở nên nhạy cảm với biến động giá dầu, đặc biệt là khi sự biến động tăng lên. Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, Dharmendra Pradhan, đặc biệt ngay lập tức lên tiếng phản ứng trước bất kỳ động thái nào của OPEC nhằm đẩy giá lên cao hơn bất cứ mức nào mà New Delhi cảm thấy thoải mái.
Ấn Độ đã đáp lại một số động thái này bằng cách yêu cầu các nhà máy lọc dầu quốc doanh nước này hạn chế mua từ các nhà sản xuất dầu Trung Đông. Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình. Hiện Ấn Độ đang bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của mình. Trên thực tế, nước này đã công bố về việc bán dầu trước Trung Quốc vài tuần. Mục đích của việc bán dầu được nêu ra vào thời gian đó là để cho các nhà máy lọc dầu thuê mặt bằng, nhưng dù có chủ ý hay không, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
"Chính phủ Trung Quốc đã cực kỳ lo lắng về lạm phát, vì vậy họ đang làm điều này trên diện rộng. Chính phủ đã giải phóng kho dự trữ chiến lược của khá nhiều nguyên liệu thô", theo Sen của Energy Aspects, được tờ FT dẫn lời.
Lạm phát đã trở thành một nguyên nhân gây ra lo lắng - không chỉ ở Trung Quốc - mà rất ít quốc gia có nguồn dự trữ để giải phóng nhằm giảm thiểu tác động của giá cả tăng cao. Tuy nhiên, không thể không coi việc giải phóng các thùng dầu ra khỏi kho dự trữ chiến lược là một lời cảnh báo đối với OPEC +.
Giá dầu tăng là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lạm phát, nhưng OPEC + vẫn giữ nguyên kế hoạch ban đầu là bổ sung không quá 400.000 thùng/ngày vào tỏng sản lượng cho đến khi trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó, theo báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC, nhu cầu dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch trong năm tới.
Với việc OPEC + không phản hồi với những lời kêu gọi tăng sản lượng, giá sẽ cao hơn nữa nếu đúng như dự báo này. Và điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm phát thậm chí còn phức tạp hơn đối với các nhà nhập khẩu lớn vì kho dự trữ chiến lược, dù dồi dào đến mấy, thì vẫn là hữu hạn.
Nguồn tin: xangdau.net