Giá dầu thế giới đã vượt mốc 50 USD/thùng, lên mức cao nhất kể từ đầu năm, nhờ được hỗ trợ bởi thông tin cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sắp tới sẽ tập trung bàn về cắt giảm sản lượng, trong lúc lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm mạnh. Liệu đây có là cơ hội đối với dòng cổ phiếu dầu khí?
Giá dầu thế giới kể từ tuần cuối tháng 9 trở lại đây đã có mức tăng khá tốt. Theo đó, giá dầu Brent đã tăng từ quanh mức 46 USD/thùng lên 51,8 USD/thùng, giá dầu WTI cũng tăng từ 45 USD/thùng lên 49,69 USD/thùng. Sự tăng giá này được hỗ trợ bởi việc các nước OPEC đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng và báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng tồn kho dầu của nước này giảm.
Trước thông tin trên, giá của nhiều cổ phiếu dầu khí có xu hướng tăng, nhưng có sự phân hóa khá mạnh. Trong khi có những mã tăng giá tốt như PVD, PVS, PGS thì vẫn có một số mã không tăng, thậm chí còn giảm giá.
Xét về diễn biến giá dầu khí, ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, giá dầu khó duy trì mức tăng mạnh trong ngắn hạn do hai nguyên nhân. Thứ nhất, thỏa thuận mới đạt được của OPEC dự kiến tới tháng 11 mới bắt đầu thực hiện. Thứ hai, chưa có sự gia tăng nhu cầu trong ngắn hạn khi mà nền kinh tế tại nhiều quốc gia đang tăng trưởng chậm lại. Trong báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ năm 2016 dự báo sẽ tăng trưởng 1,6% so với mức 2,2% đưa ra trước đó, dự báo tăng trưởng của các nước phát triển bị hạ 0,2% so với dự báo trước đây, trong khi kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng 6,6%, thấp hơn so với mức tăng năm 2015.
“Nhóm cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn sẽ khó có sự đột phá, một phần do tác động của giá dầu thế giới như phân tích ở trên. Ngoài ra, bối cảnh thị trường chung đang tiếp tục tích lũy trong vùng từ 680 - 690 điểm và chưa có động lực đủ mạnh để bật lên. Chưa kể, kết quả kinh doanh quý III của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành được nhận định sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 do chịu tác động bởi sự sụt giảm của giá dầu”, ông Hiển nhận định.
Trên TTCK, giá của nhóm cổ phiếu dầu khí trong năm 2016 thấp hơn nhiều so với mặt bằng của thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng. Do vậy, việc hồi phục của giá dầu Brent là yếu tố thúc đẩy giá của nhóm cổ phiếu này tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường.
“Nếu giá dầu Brent vượt được mức 54 USD/thùng thì khả năng hướng về mức 70 USD/thùng là khá cao và nhóm cổ phiếu dầu khí có thể sẽ là nhóm dẫn dắt chính xu hướng thị trường và có đà tăng bền vững hơn trong thời gian tới”, Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, diễn biến của giá dầu là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến giá của nhóm cổ phiếu dầu khí. Hầu hết cổ phiếu ngành này sẽ được hỗ trợ khi giá dầu tăng, nhất là những cổ phiếu liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh dầu mỏ. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoánK Maybank KimEng, giá dầu tăng gần đây do thỏa thuận mới của OPEC và bão đang xảy ra tại Mỹ khiến nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung.
Dù vậy, nguồn cung dầu mới nhất theo báo cáo của OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn đang đứng ở mức cao. Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng là không đáng kể và các quốc gia cả trong và ngoài OPEC vẫn đang cố gắng bảo vệ thị phần của họ nên sẽ khó có nhượng bộ nào lớn hơn. Chưa kể, những nguồn năng lượng mới, năng lượng thay thế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ gây áp lực lên giá dầu. Vì thế, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc khi đầu tư vào cổ phiếu dầu khí; nên quan tâm tới những công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng ngay cả khi giá dầu giảm.
Nhiều ý kiến đánh giá, cơ hội luôn hiển hiện với nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt khi diễn biến giá gần đây chưa phản ánh hết các thông tin hỗ trợ. Ở khía cạnh rủi ro, mối lo ngại từ việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khi ở mức thấp, bởi lượng giao dịch ký quỹ “kẹp” ở nhóm này không lớn.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan