Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đôi điều bức xúc chuyện cạnh tranh không lành mạnh

Hình minh họa
Câu chuyện liên minh bắt tay "làm giá" gây hại lợi ích người tiêu dùng còn có thể dẫn chứng khá nhiều ra đây. Mới đây, lúc giá xăng dầu tăng cao, một vài hiệp hội taxi địa phương đã hô hào hội viên tăng vọt giá cho đỡ lỗ, nhưng khi xăng hạ giá năm lần bảy lượt, họ chỉ nhắc nhở hội viên giảm nhỏ giọt.
 
Tháng 10/2008, 16 DN bảo hiểm đã cùng “bắt tay” ký một thoả thuận nâng mức phí bảo hiểm. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa quyết định điều tra sự việc này vì nghi ngờ hành động này sẽ gây thiệt hại cho khách hàng và vi phạm Luật Cạnh tranh.
 
Sự việc bắt đầu nổi lên từ đầu tháng 10/2008, khi 16 doanh nghiệp (DN) đã cùng nhau ký một bản thỏa thuận về mức phí mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn xe ôtô, theo đó, mức phí tối thiểu đã tăng từ 1,3% lên 1,56%/năm (trong đó, riêng ôtô taxi mức phí tăng cao ngất ngưởng 3,95%/năm). Lý do để đi đến quyết định này là theo các công ty bảo hiểm, thị trường bảo hiểm cạnh tranh rất khốc liệt, chi phí đầu vào tăng cao, rủi ro cao khiến cho dịch vụ này của nhiều DN bị lỗ. Các DN đi đến quyết định tăng phí như là một giải pháp để chống thua lỗ đối với loại bảo hiểm được cho là có nhiều rủi ro như bảo hiểm ôtô. Ngay sau khi có động thái này, các DN bảo hiểm đã vấp phải phản ứng dữ dội của các DN kinh doanh vận tải. Họ cho đây là hành vi liên doanh, liên kết độc quyền, bắt chẹt khách hàng.
 
Đáng báo động là hiện tượng liên kết, thỏa thuận cản trở cạnh tranh như nói trên đang có nguy cơ trở nên phổ biến, ẩn hiện tinh vi dưới hình thức này hay hình thức khác. Thời gian qua, khi giá xăng trên thế giới hạ rất mạnh, tuy nhiên các DN kinh doanh xăng dầu trong nước lại không giảm giá bán tương ứng cho người tiêu dùng mà chỉ giảm một cách nhỏ giọt, không đáng kể. Và điều khó có thể lý giải nữa là hiện tượng thị trường có 11 đầu mối kinh doanh xăng dầu với bộ máy, thị trường nhập khẩu, chi phí, quy mô... khác nhau nhưng đều đồng loạt giảm với một mức giá hoàn toàn giống hệt nhau? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có việc thỏa thuận ấn định về giá bán giữa các DN?
 
Trong khi những dấu hỏi về giá xăng dầu chưa được làm rõ thì mới đây lại xảy ra vụ việc liên quan đến giá thép. Đó là việc các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong một cuộc họp đầu tháng 10/2008, thống nhất giữ giá thép ở mức 13,5 - 14 triệu đồng/tấn với lý do để không cho thị trường thép tuột dốc nhằm cứu các nhà sản xuất trong nước đang hoạt động cầm chừng vì nguồn cung đã dư thừa, không tiêu thụ được. Thỏa thuận thống nhất không hạ giá thép có thể giúp cho một số DN, thậm chí cả ngành thép vượt qua được khó khăn nhưng về bản chất hành vi đó có thể làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường và do vậy quyền được mua hàng hóa với giá rẻ, chất lượng cao của cộng đồng người tiêu dùng rõ ràng đã bị xâm hại.
 
Việc ấn định lãi suất trần tiền gửi tiết kiệm của Hiệp hội Ngân hàng cách đây không lâu cũng là ví dụ điển hình. Hồi cuối tháng 4 năm nay, khi lãi suất ngân hàng có nhiều biến động, người dân đi gửi tiền cũng bức xúc khi Hiệp hội Ngân hàng ấn định mức lãi suất trần cho các ngân hàng hội viên. Lúc đó, trên báo chí, một số luật sư đã chỉ ra những sai phạm của Hiệp hội Ngân hàng và khẳng định người tiêu dùng hay các ngân hàng không nằm trong hiệp hội, thậm chí là hội viên của hiệp hội, đều có quyền kiện hiệp hội nếu không đồng tình với thỏa thuận ấn định trần lãi suất. Việc ấn định lãi suất trần không khác gì các ngân hàng trong hiệp hội cùng nhau chèn ép người gửi tiền tiết kiệm.
 
Câu chuyện liên minh bắt tay "làm giá" gây hại lợi ích người tiêu dùng còn có thể dẫn chứng khá nhiều ra đây. Mới đây, lúc giá xăng dầu tăng cao, một vài hiệp hội taxi địa phương đã hô hào hội viên tăng vọt giá cho đỡ lỗ, nhưng khi xăng hạ giá năm lần bảy lượt, họ chỉ nhắc nhở hội viên giảm nhỏ giọt, thậm chí trì hoãn lần lữa với lý do cơ quan kiểm định đồng hồ làm khó (lúc tăng giá cũng phải kiểm định lại đồng hồ sao họ không kêu chờ đợi lâu)! Hoặc như Hiệp hội Ôtô Việt Nam (VAMA), cũng có thời họ thoả thuận ngầm với nhau quyết không hạ giá bán hoặc hạ giá rất nhỏ giọt (mặc dù Chính phủ đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng rất lớn theo cam kết hội nhập) đã làm người tiêu dùng bị thiệt hại không nhỏ.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, vai trò của các DN rất được chú trọng và nâng cao. Cùng với việc phấn đấu vì lợi ích chung, đặt lợi ích nước nhà lên trên lợi ích của mình; các DN cũng phải luôn thấm nhuần những giá trị đạo đức trong kinh doanh. Kinh doanh chính đáng là luôn gắn kinh doanh với phục vụ, lợi ích kinh doanh với lợi ích đất nước, lợi ích xã hội. Dù cố ý hay do thiếu kiến thức trong kinh doanh thì cũng đều gây hại lớn mà người lĩnh đủ trước tiên là người tiêu dùng. Kế đó là giảm uy tín của sản phẩm, của đất nước, cả thị trường trong và ngoài nước.
 
Trở lại câu chuyện của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói trên, mặc dù chưa biết Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc kết luận họ có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, nhưng trước mắt có thể thấy động thái này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các DN (vì các DN cùng nhau áp một mức giá). Hậu quả là khách hàng (chủ sở hữu xe ôtô) bị ép phải mua giá cao (vì không có sự lựa chọn nào khác). Điều rất đáng chú ý là hầu hết các công ty bảo hiểm tham gia vào liên minh tăng giá phần lớn là DN trong nước, một số là DN liên doanh, còn hầu như không có DN nước ngoài nào. Lý do mà các DN công ty bảo hiểm nước ngoài từ chối không tham gia liên minh nâng phí bảo hiểm vì họ thấy rằng điều này đi ngược với chính sách kinh doanh của toàn tập đoàn và họ cũng sợ vi phạm luật chống độc quyền. Có thể nói với kinh nghiệm thương trường hàng thế kỷ đã giúp họ hiểu ra rằng - nguyên lý "cả hai cùng thắng" (tức DN - khách hàng cùng có lợi) sẽ là sự tồn vong lâu bền. Còn các DN nào của ta quen thói dễ ăn khó bỏ, chỉ biết lợi mình hại người, chưa biết chừng sẽ mất "sân chơi" khi bị chính khách hàng của mình tẩy chay để đến với các DN nước ngoài làm ăn đúng luật!
 
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất cần được quan tâm hiện nay là phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Luật Cạnh tranh ở nước ta hiện nay. Luật Cạnh tranh ra đời là cơ sở pháp lý để xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ tồn tại và phát triển được trước những đối thủ lớn, đồng thời phục vụ, bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, vai trò của nó gần như hoàn toàn vắng bóng trước hàng loạt vụ việc đang gây bức xúc gần đây... Kể từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 1/7/2005 đến nay hầu như chưa có vụ việc đáng kể nào được đưa ra công luận. Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan nhà nước được giao nhiệm bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa làm được nhiều việc như xã hội kỳ vọng, nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh không được xử lý dứt điểm, thậm chí, nhiều trường hợp đến thời điểm này chưa ngã ngũ. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này xuất phát từ một số chính sách, pháp luật thiếu sự tương thích, khiến cho việc thực thi Luật Cạnh tranh trở nên “lạc lõng”.
 
(Theo VnMedia)

ĐỌC THÊM